Các khóa học đã đăng ký

Tiêm vắc-xin Covid 19 có làm tôi bị nhiễm bệnh không? | Wellbeing

Bài viết được viết bởi Phạm Hải Anh | Tập huấn viên dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống 

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vắc xin giai đoạn đầu tiên (initial roll out). Dự kiến Việt Nam sẽ được nhận là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25 – 35% số liều sẽ được cung cấp trong quý 1 và 65 – 75% trong quý 2 năm 2021. Tuy nhiên, có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi “Liệu tiêm vắc-xin có làm tôi bị nhiễm bệnh?” ? 

 

1. Cơ chế hoạt động của vắc-xin COVID-19 như thế nào?

Để hiểu rõ cách thức hoạt động của vắc-xin COVID-19, trước tiên tìm hiểu về cách thức cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật. Khi mầm bệnh, như vi-rút gây bệnh COVID-19, tấn công cơ thể chúng ta, chúng sẽ xâm nhập và sinh sôi nảy nở. Sự tấn công này, còn gọi là lây nhiễm. Hệ thống miễn dịch của chúng ta sử dụng một vài công cụ để chống lại lây nhiễm đó là bạch cầu. Các loại bạch cầu khác nhau thì chống lại lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là tiêu diệt mầm bệnh.

Lần đầu tiên khi một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể của họ tạo và sử dụng tất cả các công cụ cần thiết chống lại mầm bệnh. Sau khi nhiễm bệnh và hồi phục, hệ miễn dịch của cơ thể ghi nhớ những gì nó đã học hỏi được về cách bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó. Cơ thể lưu giữ một vài tế bào lympho T, gọi là tế bào ghi nhớ, nhanh chóng hành động nếu cơ thể gặp lại loại vi-rút tương tự. Khi phát hiện thấy vi-rút tương tự, tế bào lympho B tạo ra kháng thể chống lại chúng.

Vậy làm thế nào để cơ thể của những người chưa từng nhiễm bệnh có khả năng chống lại bệnh tật? Vắc-xin chính là câu trả lời. Khi vắc-xin được tiêm vào cơ thể, nó sẽ mang theo các vi rút hoặc vi khuẩn đã được giảm độc lực, hay bị bất hoạt, hoặc đã chết , tức là không có khả năng gây bệnh, để giúp hệ miễn dịch của cơ thể có thể nhận diện các vi-rút hoặc vi-khuẩn này trong tương lai và chống lại chúng nếu chúng ta bị nhiễm. 

Vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19 mà không cần nhiễm bệnh. Các loại vắc-xin khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng với tất cả các loại vắc-xin, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T "ghi nhớ" cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút trong tương lai.

Cơ thể thường cần vài tuần để tạo tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm vắc-xin. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin rồi sau đó bị bệnh do vắc-xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch.

2. Tiêm vắc-xin COVID 19 có làm tôi bị nhiễm bệnh? 

Câu trả lời là Không. Hiện nay không có vắc-xin COVID-19 nào được cấp phép và khuyên dùng có chứa vi-rút còn sống gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là vắc-xin COVID-19 không thể khiến các bạn nhiễm bệnh COVID-19.

Có một số loại vắc-xin khác nhau đang được phát triển. Tất cả các loại vắc-xin này đều giúp phát triển hệ miễn dịch để phát hiện và chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19. Đôi khi, quy trình này có thể gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt. Những triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phát triển khả năng bảo vệ khỏi vi-rút gây bệnh COVID-19. 

Thông thường phải mất vài tuần sau khi tiêm chủng để cơ thể phát triển khả năng miễn dịch và bảo vệ bạn khỏi vi-rút gây bệnh. Điều này có nghĩa là một người có thể bị lây nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng và vẫn sẽ bị bệnh. Đây là do vắc-xin chưa có đủ thời gian để cung cấp sự bảo vệ.

Trong thời điểm khi vắc-xin COVID 19 còn chưa được triển khai tiêm rộng rãi và có nhiều sự biến thể phức tạp từ các chủng vi- rút mới, các bạn hãy bảo vệ chính mình và người xung quanh bằng cách thực hiện nghiêm chỉnh theo Khuyến cáo của Bộ Y Tế và Tổ chức Y tế thế giới nhé!


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay