Các khóa học đã đăng ký

Cơ chế tác dụng của vắc-xin Covid-19 | Wellbeing

Bài viết được viết bởi BS. Hoàng Văn Cường | Tập huấn viên dự án Sơ Cứu Nhanh - Giành Sự Sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Tính đến tháng 2 năm 2021 tại Mỹ đã có 2 loại vắc-xin được cấp phép và khuyên dùng để phòng ngừa COVID-19 đó là của Pfizer-BioNTech và Moderna. Vậy cơ chế tác dụng của vắc-xin COVID-19 là gì? Có khác gì với những loại vắc-xin khác không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

1. Kháng nguyên – Kháng thể là gì?

Kháng nguyên là những chất lạ, khi xâm nhập vào cơ thể người được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng.

Kháng thể là những chất được sản xuất khi cơ thể con người nhận biết được sự xâm nhập của các sinh vật lạ xâm nhập vào. Kháng thể sẽ giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại và bảo vệ cơ thể. Cơ thể nào có khả năng hình thành kháng thể càng mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm khuẩn càng cao.

Như vậy kháng nguyên chính là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể người và kháng thể như những “chiến binh” được cơ thể sinh ra để nhận biết và tiêu diệt kháng nguyên. 

2. Hệ thống miễn dịch – Hệ thống bảo vệ của cơ thể chống lại lây nhiễm

Khi mầm bệnh, như vi-rút gây bệnh COVID-19, xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng tấn công và sinh sôi nảy nở. Sự tấn công này, còn gọi là lây nhiễm, là tác nhân gây ra bệnh tật. Khi điều đó xảy ra,hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ sử dụng một vài công cụ để chống lại lây nhiễm. Máu chứa các tế bào hồng cầu, chuyên chở oxi tới các mô và cơ quan trong cơ thể và bạch cầu hay các tế bào miễn dịch chống lại lây nhiễm. Các loại tế bào bạch cầu khác nhau chống lại lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau:

  • Đại thực bào là các tế bào bạch cầu sẽ hấp thụ, tiêu hóa các mầm bệnh và các tế bào đã chết hoặc sắp chết. Sau đó các đại thực bào này sẽ trình diện kháng nguyên và kích thích cơ thể sinh ra kháng thể chống lại các kháng nguyên lạ.

  • Tế bào lympho B là các tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tạo các kháng thể tấn công các mảnh vi-rút mà đại thực bào còn để lại.

  • Tế bào lympho T là các tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.

Lần đầu tiên khi một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể của họ tạo ra và sử dụng tất cả các công cụ cần thiết chống lại mầm bệnh và khỏi bệnh. Sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ ghi nhớ được những gì nó đã học hỏi được về cách bảo vệ cơ thể chống lại bệnh và tác nhân gây bệnh đó. Cơ thể lưu giữ một vài tế bào lympho T, gọi là tế bào ghi nhớ, nhanh chóng hành động nếu cơ thể gặp lại loại vi-rút tương tự. Khi phát hiện thấy kháng nguyên tương tự trong các lần nhiễm bệnh tiếp theo, tế bào lympho B sẽ tự động tạo ra kháng thể chống lại chúng. 

3. Vắc-xin là gì? Cách thức hoạt động của vắc-xin Covid-19

Vắc-xin là chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi sinh vật được làm mất khả năng gây bệnh hoặc từ vật liệu sinh học không phải vi sinh vật nhưng vẫn có khả năng kích thích sự hình thành miễn dịch đặc hiệu để chống lại các mầm bệnh tương ứng.

Vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19 mà không cần nhiễm bệnh. Các loại vắc-xin khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng với tất cả các loại vắc-xin, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T "ghi nhớ" cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút trong tương lai. Cơ thể thường cần vài tuần để tạo tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm vắc-xin. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin rồi sau đó bị bệnh do vắc-xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. Đôi khi, sau khi tiêm vắc-xin, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Những triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo khả năng miễn dịch.

Hiện có ba loại vắc-xin COVID-19 đang hoặc sớm triển khai trên quy mô rộng (Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3) tại Hoa Kỳ. Cả 3 loại vắc-xin này đều được kiểm nghiệm và đảm bảo tính an toàn trước khi tiêm trên người.

  • Vắc-xin chứa vật chất từ vi-rút gây bệnh COVID-19 để cung cấp hướng dẫn cho tế bào chúng ta về cách tạo ra các protein vô hại đặc hiệu với vi-rút đó. Sau khi tế bào của chúng ta tạo ra các protein từ vật chất di truyền đó, tế bào miễn dịch sẽ phá hủy các protein này. Cơ thể chúng ta ghi nhận rằng protein không nên ở đó và tạo các tế bào lympho T và lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19 nếu chúng ta nhiễm bệnh trong tương lai.

  • Vắc-xin  protein gồm các mảnh (protein) vi-rút gây bệnh COVID-19 nhưng vô hại. Sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch của chúng ta ghi nhận rằng protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo tế bào lympho T và các kháng thể. Nếu trong tương lai chúng ta bị nhiễm bệnh, tế bào ghi nhớ sẽ ghi nhận và chống lại vi-rút đó.

  • Vắc-xin véc tơ: Vắc xin này chứa phiên bản vi-rút sống đã bị làm yếu đi và không có khả năng gây bệnh. Vi-rút này không phải vi-rút gây Covid-19 mà là một loại vi-rút khác, nhưng mang vật chất di chuyền của vi-rút gây Covid-19. Khi các tế bào trong cơ thể nhận diện vi-rút này sẽ thúc đẩy quá trình miễn dịch của cơ thể để tạo ra các tế bào bảo vệ, giúp chúng ta không bị nhiễm bệnh ngay cả khi gặp lại vi-rút gây Covid-19 "thực thụ" trong tương lai.

Như vậy, về bản chất cơ chế tác dụng của vắc-xin sẽ “huấn luyện” cho hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện và tự tạo ra “đội quân” để chiến đấu với chúng. Tiêm vắc-xin là một trong nhiều cách chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và người khác khỏi COVID-19.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay