Các khóa học đã đăng ký

Tiêm vắc-xin Covid-19 sau bao lâu thì có tác dụng? | Wellbeing

Bài viết được viết bởi Trịnh Hương Ly | Quản lý dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống 

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

COVID-19 vaccine | Close-up medical syringe with a vaccine. | Alachua  County | Flickr

Từ tháng 01/2020 cho đến nay, đã hơn một năm trôi qua nhưng Covid–19 vẫn là mối lo ngại trên toàn cầu. Để ứng phó với đại dịch, vắc-xin Covid–19 đang được gấp rút nghiên cứu và hoàn thiện để tạo nên “tấm khiên” bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe con người. Bên cạnh các chủ đề liên quan đến chi phí và loại vắc-xin, việc sau khi tiêm bao lâu vắc-xin sẽ có tác dụng cũng là mối quan tâm của nhiều người.

1. Vắc-xin là gì?

Vắc-xin được xem là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Vậy vắc-xin là gì?

Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, vắc-xin là một sản phẩm kích thích hệ thống miễn dịch của con người để tạo nên khả năng miễn dịch với một bệnh cụ thể, bảo vệ con người khỏi bệnh đó. Vắc-xin thường được sử dụng thông qua đường tiêm, nhưng cũng có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc xịt vào mũi.

Theo Bộ Y tế Úc, vắc-xin là một chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch chủ động với một bệnh truyền nhiễm cụ thể.

Từ các định nghĩa này, vắc-xin có thể hiểu đơn giản là sản phẩm tác động vào hệ thống miễn dịch của con người để giúp hệ miễn dịch bảo vệ sức khỏe trước các bệnh truyền nhiễm. Vậy làm thể nào để vắc-xin làm được điều này?

2. Vắc-xin hoạt động như thế nào?

Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể của chúng ta, hệ thống “phòng vệ” của cơ thể – hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt. Mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt hoặc chúng ta có thể vượt qua dễ dàng. Mầm bệnh có thể là vi khuẩn, vi-rút, kí sinh trùng hoặc nấm. Mỗi mầm bệnh lại được tạo nên từ các phần phụ, thường là độc nhất cho mầm bệnh đó và loại bệnh mà nó gây ra. Phần phụ này sẽ tạo nên các kháng nguyên. Kháng thể là một phần rất quan trọng của hệ thống miễn dịch và được coi như những “người lính quả cảm” của hệ thống bảo vệ cơ thể. Những “người lính” này được huấn luyện để nhận ra những “kẻ địch” – chính là các mầm bệnh cụ thể. Chúng ta có một đội quân lên đến hàng nghìn binh lính kháng thể khác nhau trong cơ thể. Khi có “kẻ địch” xâm nhập lần đầu – tiếp xúc với một mầm bệnh mới, hệ thống miễn dịch sẽ cần thời gian để phản ứng và huấn luyện các “binh lính” mới, hay nói cách khác là tạo ra các kháng thể mới. Trong “giai đoạn huấn luyện” này, người tiếp xúc với mầm bệnh sẽ bị ốm và nhiễm bệnh.

Một khi kháng thể đã được hình thành, chúng sẽ phối hợp với hệ thống miễn dịch để triệt tiêu mầm bệnh và giúp chúng ta khỏi ốm. Kháng thể với một mầm bệnh nhất định không thể bảo vệ chúng ta khỏi một mầm bệnh khác trừ khi hai mầm bệnh này là “họ hàng” với nhau. Khi cơ thể đã sản sinh ra kháng thể trong quá trình phản ứng với kháng nguyên, nó cũng tạo ra các tế bào ghi nhớ. Khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh tương tự, sự phản ứng của kháng thể nhanh và có hiệu quả tốt hơn nhiều lần tiếp xúc đầu tiên nhờ các tế bào ghi nhớ đã sẵn sàng bơm ra kháng thể để chống lại mầm bệnh đó.

Sự hoạt động của vắc-xin cũng dựa trên nguyên lý hoạt động này. Vắc-xin mang theo các bộ phận bị suy yếu hoặc không hoạt động của kháng nguyên cụ thể giúp gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Các bộ phận này không khiến cho người được tiêm vắc-xin nhiễm bệnh, nhưng sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất kháng thể đủ nhiều y như lần phản ứng đầu tiên của cơ thể với mầm bệnh thực sự.

Một số loại vắc-xin cần được tiêm nhiều liều, mỗi liều cách nhau có thể từ vài tuần đến vài tháng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để cho phép các kháng thể tồn tại lâu dài và phát triển các tế bào ghi nhớ. Việc tiêm vắc-xin cũng giống như tạo “trận giả” để cho các “binh lính” kháng thể luyện tập vậy.

3. Tiêm vắc-xin Covid-19 bao lâu thì có hiệu quả?

Do cơ chế hoạt động của vắc-xin, cũng giống như các loại vắc-xin khác, vắc-xin Covid 19 sẽ không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm xong. Khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho rằng người được tiêm vắc-xin Covid -19 nên tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn trong vòng ít nhất từ 1 đến 2 tuần sau tiêm. 

Trong thời điểm hiện tại, khi vắc-xin Covid 19 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sự biến thể phức tạp của chủng vi rút mới, điều quan trọng nhất chính là chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Hãy thực hiện “5K” để an toàn giữa đại dịch nhé!

Nguồn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới. 

Xem thêm thông tin tại:

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/expect

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay