Vắc-xin Covid-19 có an toàn không? | Wellbeing
Bài viết được viết bởi BS. Hoàng Văn Cường | Tập huấn viên dự án Sơ Cứu Nhanh - Giành Sự Sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Điều kiện tiên quyết của vắc-xin là tính không độc và khả năng đáp ứng miễn dịch. Hiện tại trên 52 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được tiêm tại Hoa Kỳ từ ngày 14 tháng 12 năm 2020 đến ngày 14 tháng 2 năm 2021. Vậy độ an toàn của vắc-xin COVID 19 là như nào và chúng ta có thể gặp những tác dụng phụ nào khi tiêm? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này.
1. Các loại vắc-xin Covid-19
Vắc-xin là chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi sinh vật được làm mất khả năng gây bệnh hoặc từ vật liệu sinh học không phải vi sinh vật nhưng vẫn có khả năng kích thích sự hình thành miễn dịch đặc hiệu để chống lại các mầm bệnh tương ứng. Điều kiện tiên quyết của vắc-xin là tính không độc và khả năng đáp ứng miễn dịch. Hiện có 3 loại vắc-xin COVID19 đang hoặc sẽ sớm triển khai trên quy mô rộng.
Vắc-xin chứa vật chất di truyền từ vi-rút gây bệnh COVID-19 sẽ cung cấp hướng dẫn để tế bào chúng ta tạo ra các protein vô hại đặc hiệu với vi-rút đó. Sau khi tế bào của chúng ta tạo ra các bản protein từ vật chất di truyền của vắc-xin, các tế bào miễn dịch sẽ phá hủy những protein này. Cơ thể chúng ta ghi nhận rằng protein không nên ở đó và tạo các tế bào lympho T và lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19 nếu chúng ta nhiễm bệnh trong tương lai.
Vắc-xin dưới đơn vị bản chất protein gồm các mảnh (protein) vi-rút gây bệnh COVID-19 nhưng vô hại, thay vì là toàn bộ vi-rút. Sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch của chúng ta ghi nhận rằng protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo tế bào lympho T và các kháng thể. Nếu trong tương lai chúng ta bị nhiễm bệnh, tế bào ghi nhớ sẽ ghi nhận và chống lại vi-rút đó.
Vắc-xin chứa phiên bản vi-rút sống đã bị làm yếu đi, đây không phải là vi-rút gây bệnh COVID-19 mà chỉ mang vật chất di truyền của vi-rút gây bệnh COVID-19 được cấy vào (đây gọi là véc-tơ vi-rút). Sau khi véc-tơ vi-rút vào trong tế bào của chúng ta, vật chất di truyền sẽ cung cấp các hướng dẫn cho tế bào tạo protein riêng có với vi-rút gây bệnh COVID-19. Dùng các hướng dẫn này, tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao protein đó. Điều này thúc đẩy cơ thể chúng ta tạo tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ cách chống lại vi-rút đó nếu chúng ta bị lây nhiễm trong tương lai.
Tất cả các vắc-xin trên đều được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chứng nhận, cho phép tiêm trên người.
2. Quy trình thử nghiệm vắc-xin Covid-19
Trước tiên, vắc-xin COVID-19 phải được thực nghiệm ở phòng thí nghiệm, sau khi được cấp phép an toàn tiêm trên người mới được phép thử nghiệm trên người. Giai đoạn thử nghiệm này gọi là Thử nghiêm lâm sàng và trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Được thử nghiệm trên nhóm người trẻ và khoẻ mạnh, được khám sàng lọc kỹ càng. Số lượng người tham gia vào giai đoạn này chỉ là vài chục đến 100 người để đánh giá liều lượng chuẩn, sự phản ứng miễn dịch của cơ thể và quan trọng nhất là sự an toàn của vắc-xin.
Giai đoạn 2: Sau khi vượt qua giai đoạn 1, các thử nghiệm giai đoạn 2 được tiến hành chủ đích vào các nhóm tuổi đich mà vắc-xin hướng tới. Giai đoạn này kiểm tra về đáp ứng miễn dịch và dữ liệu về sự an toàn của vắc-xin.
Nếu các thử nghiệm vắc-xin vượt qua được giai đoạn 1, tức là chỉ ra được một số đáp ứng miễn dịch và vượt qua được giai đoạn 2, tức đạt được đáp ứng miễn dịch như mong đợi trên nhóm tuổi đích và có dữ liệu về độ an toàn tốt thì những vắc-xin này đã qua được hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1, 2 và sẽ bước sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Giai đoạn 3: Trong giai đoạn 3, vắc-xin được thử nghiệm trên số lượng người lớn hơn rất nhiều. Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của giai đoạn này là tiếp tục tích lũy bằng chứng về sự an toàn của vắc-xin. Mục đích thứ hai là để biết vắc-xin có thật sự bảo vệ con người khỏi căn bệnh mà vắc-xin này đang nhắm tới hay không. Vượt qua giai đoạn 3 thì vắc-xin sẽ được lưu hành.
Giai đoạn 4: Là các nghiên cứu được tiến hành sau khi sản phẩm đã được lưu hành. Mục đích là đánh giá lại hiệu quả, thu thập thêm thông tin về an toàn khả năng chấp nhận và sử dụng tiếp sản phẩm, hoặc nhằm đưa ra các chỉ định mới, phương pháp dùng mới hoặc kết hợp mới.
Các giai đoạn này cực kỳ nghiêm ngặt và được giám sát bởi các bên độc lập khác nhau nên đảm bảo cao nhất tính an toàn khi tiêm trên con người.
3. Một số phản ứng sau tiêm
Hàng triệu người ở Hoa Kỳ đã được tiêm vắc-xin COVID-19 và các loại vắc-xin này đã trải qua quy trình giám sát an toàn nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Quy trình giám sát này bao gồm việc sử dụng các hệ thống giám sát an toàn đã thiết lập và mới nhằm đảm bảo tính an toàn của vắc-xin COVID-19.
Các kết quả từ các nỗ lực giám sát làm cho chúng ta an tâm. Một số người không có tác dụng phụ. Nhiều người đã báo cáo có tác dụng phụ nhẹ sau tiêm như:
Đau hoặc sưng tại khu vực tiêm.
Đau đầu, ớn lạnh,
Hoặc sốt,
Những phản ứng này là bình thường. Một lượng nhỏ người đã có phản ứng nghiêm trọng (gọi là "sốc phản vệ") sau khi tiêm chủng, nhưng vấn đề này cực kỳ hiếm. Nếu chuyện này xảy ra, các nhà dịch vụ cung cấp tiêm chủng có sẵn thuốc để điều trị phản ứng ngay lập tức và hiệu quả. Sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, người tiêm sẽ được yêu cầu ở lại khoảng 15-30 phút để quan sát phòng trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng và điều trị ngay khi cần trong trường hợp hiếm.
Như vậy, vắc-xin COVID19 tính đến thời điểm hiện tại là an toàn đối với người được tiêm.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây