NHIỆT ĐỘ LẠNH ẢNH HƯỞNG TỚI CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
Cơ thể chúng ta luôn được giữ ở nhiệt độ từ 36,5 – 37 độ. Khi gặp thời tiết lạnh, một cuộc đấu tranh sinh tồn sẽ nổ ra để giữ được nhiệt độ này. Khi cơ thể thất bại, thân nhiệt sẽ hạ xuống, ở mức độ nghiêm trọng nhất sẽ khiến cho nạn nhân tử vong. Trẻ em và người già là những đối tượng có khả năng chịu lạnh kém hơn cả. Vậy nhiệt độ lạnh ảnh hưởng tới cơ thể con người như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Wellbeing tìm hiểu nhé.
1 Ngưỡng nhiệt độ cơ thể cần để tồn tại
Nhiệt độ trung tâm của cơ thể luôn ở mức 37oC, khi nhiệt độ trung tâm hạ xuống dưới 35oC được coi là hạ thân nhiệt. Các triệu chứng như run rẩy, nổi da gà, mệt mỏi sẽ xuất hiện vào lúc này. Khi thân nhiệt xuống dưới 33oC, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ. Thân nhiệt xuống dưới 28oC, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái mất ý thức. Dưới 21oC, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
2 Nhiệt độ lạnh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Hiện tượng hạ thân nhiệt sẽ xuất hiện khi chúng ta ở trong môi trường có nhiệt độ lạnh nhưng chưa đến mức đông cứng, khoảng từ -1 đến 10oC. Thân nhiệt mất nhanh hơn khi cơ thể bị ướt, nếu chẳng may bị rơi xuống vùng nước lạnh thì cơ thể sẽ mất thân nhiệt nhanh hơn 25% khi ở trên đất liền với cùng nhiệt độ.
Thân nhiệt sụt giảm sẽ khiến các cơ quan, nội tạng trong cơ thể giảm hoạt động, co mạch dưới da và bỏng lạnh. Chắc hẳn chúng ta đều đã bị cước tay khi trời lạnh rồi phải không nào! Cước tay xảy ra khi những mạch máu nhỏ dưới da bị viêm do tiếp xúc với không khí lạnh. Phản ứng viêm gây ra tình trạng đỏ, ngứa hoặc sưng phù các đầu ngón tay. Không chỉ đầu ngón tay mà cả ngón chân, tai hoặc má cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu này. Cước hay xuất hiện khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC.
Khi nhiệt độ trung tâm xuống thấp (dưới 35oC), tim sẽ đập nhanh hơn bình thường. Nếu nhiệt độ trung tâm xuống dưới 33oC, tim sẽ xuất hiện các nhịp đập bất thường. Dưới 28oC, tim không thể bơm máu đến các cơ quan bộ phận quan trọng như não, gan, thân và tình trạng suy đa tạng xuất hiện.
Nhiệt độ cơ thể quá thấp sẽ khiến não bộ bị ảnh hưởng, lúc này nạn nhân sẽ không thể suy nghĩ rõ ràng hoặc không thể di chuyển tốt nữa. Điều này làm cho hạ thân nhiệt đặc biệt nguy hiểm bởi một người có thể không biết tình trạng này xảy ra và sẽ không làm bất cứ điều gì để cả thiện tình trạng đó.
3 Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nhiệt độ môi trường thay đổi?
Người già với khả năng kiểm soát thân nhiệt giảm dần theo tuổi là một đối tượng dễ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ môi trường giảm. Họ ít có hoạt động tạo ra thân nhiệt như người trẻ, xu hướng tiêu tốn năng lượng để tạo ra nhiệt độ cũng từ đó bị ảnh hưởng.
Trẻ nhỏ sử dụng nhiều calo hơn người lớn, chúng có thể sử dụng hết năng lượng khi chơi đùa, nghịch ngợm. Điều này khiến cho chúng không cảm thấy lạnh khi đang vui chơi. Tuy nhiên, khi năng lượng dự trữ được sử dụng hết, chúng sẽ rất dễ bị hạ thân nhiệt.
Trẻ sơ sinh mất nhiệt dễ dàng hơn người lớn rất nhiều. Lứa tuổi này không có năng lượng dự trữ cho việc run cơ để tăng nhiệt độ nên thậm chí chúng có thể bị hạ thân nhiệt ngay trong phòng có nhiệt độ lạnh.
Nguy cơ hạ thân nhiệt sẽ tăng lên nếu như nhiệt độ môi trường giảm sâu dưới người đóng băng (dưới 0). Do đó, khi gặp một người đang ở trong môi trường lạnh, hãy đưa họ vào khu vực ấm hơn, thay quần áo ẩm ướt và chườm ấm các khu vực trung tâm như ngực, cổ, đầu và háng bằng các loại túi chườm, chăn sưởi (nếu có). Đồ uống ấm cũng giúp nạn nhân tăng thân nhiệt, tuyệt đối không dùng đồ uống có cồn hay cố gắng đút cho người đã bất tỉnh. Nếu nạn nhân không tỉnh, không thở và không có mạch, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi.