Các khóa học đã đăng ký

Cách sử dụng máy khử rung tim| Wellbeing

Máy khử rung tim AED (máy sốc tim/máy AED) là một thiết bị y tế sử dụng để cứu sống trong trường hợp tim ngừng đột ngột (SCA) hoặc rung tim. Với một nạn nhân ngừng tim, tỷ lệ nạn nhân sống sót khi được thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) đơn thuần không sử dụng máy khử rung tim AED là 9%. Và tỷ lệ này tăng đến 38% khi có sự kết hợp cùng máy khử rung tim AED.

1.Ngừng tim đột ngột (SCA) là gì?

Ngừng tim đột ngột (SCA) là hiện tượng tim đột ngột loạn nhịp hoặc nhịp đập không hiệu quả, dẫn đến không thể tống được máu đi nuôi cơ thể, khiến nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở và tim ngừng đập.

Với tỷ lệ sống sót <1% (nếu không được sơ cứu), ngừng tim đột ngột được xếp vào một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới. Nó có thể xảy đến với bất cứ ai, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

2. Cơ chế hoạt động của máy khử rung tim AED

Máy khử rung tim AED  là một thiết bị điện tử cầm tay, tự động chẩn đoán rối loạn nhịp tim và có thể xử trú bằng phương thức khử rung tim, giúp thiết lập lại nhịp đập hiệu quả. Thiết bị bao gồm một bộ phận có thể quét nhịp tim của người bệnh, từ đó gửi những tín hiệu tới bộ phận xử lý. Sau khi xử lý thông tin, bộ phận này sẽ truyền lại tín hiệu điện gây sốc nhằm khôi phục lại nhịp tim.

Khi một nguyên nhân nào đó gây tình trạng ngừng tim đột ngột , máu không được đưa tới các cơ quan trên cơ thể, đặc biệt là não, động mạch vành, dẫn tới tai biến hoặc nguy hiểm hơn là tử vong do chết não. Lúc này, cần có một thiết bị hỗ trợ để giúp tim được co bóp trở lại.

3.Các bước sử dụng máy khử rung tim AED

Với các hướng dẫn bằng âm thanh và hình ảnh, máy khử rung tim AED được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng với tất cả mọi người.

Dưới đây là các cách sử dụng của máy:

Bước 1: Chuẩn bị

Máy khử rung tim AED có thể được tìm thấy tại các tủ đựng, trên tủ có biểu tượng trái tim và tia sét.

Để sử dụng máy khử rung tim AED, đảm bảo bạn nhân không nằm ở nơi ẩm ướt hoặc trên bề mặt kim loại.

Bước 2: Dán các miếng điện cực AED lên ngực nạn nhân: 

Loại bỏ các thiết bị điện tử như điện thoại, đồng hồ thông minh khỏi người nạn nhân. 

Bộc lộ lồng ngực của nạn nhân và lau khô. Dán các miếng điện cực AED đúng vị trí, 1 miếng điện cực ở vùng ngực bên phải ngay dưới xương đòn, 1 miếng điện cực ở vùng mạn sườn trái. Bật máy và làm theo hướng dẫn. 

Bước 3: Đợi máy phân tích và làm theo hướng dẫn.Yêu cầu không ai được chạm vào người nạn nhân trong quá trình máy phân tích. 

Nếu nút sốc điện có biểu tượng tia sét (trái tim và tia sét) nhấp nháy/sáng đèn nạn nhân cần được sốc điện. Ấn nút sốc điện và không cho ai chạm vào người nạn nhân trong quá trình máy sốc điện.

Trường hợp nút sốc điện không nhấp nháy hoặc sáng đèn nạn nhân không cần sốc điện. Lúc này tiếp tục tiến hành hồi sinh tim phổi cho nạn nhân theo hướng dẫn của máy.

Bước 4: Duy trì như vậy cho tới khi nạn nhân tỉnh hoặc nhân viên y tế đến.

4.Lưu ý khi sử dụng máy khử rung tim AED

4.1. Luôn nhớ rằng, phải thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức!

Cứ mỗi phút qua đi giảm từ 7% đến 10% khả năng sống sót của nạn nhân. VÌ vậy, hãy ngay lập tức hồi sức tim phổi để giúp nạn nhân có máu và oxy đi nuôi cơ thể. Đừng lãng phí thời gian tìm kiếm máy khử rung tim AED, nếu có người hỗ trợ trong lúc bạn thực hiện CPR hãy nhờ họ lấy giúp.

4.2. Cẩn thận máy khử rung tim AED Trainer.

máy khử rung tim AED Trainer được tạo ra để phục vụ cho quá trình tập huấn sử dụng máy khử rung tim AED, tuy hình dáng bên ngoài, các thao tác sử dụng và cách thức hoạt động tương đối giống với máy khử rung tim AED thật nhưng các chức năng đã bị tối giản đi rất nhiều. Một điều quan trọng nữa là máy khử rung tim AED Trainer không có khả năng sốc điện như máy thật. Vì vậy, nếu sử dụng nhầm máy khử rung tim AED trainer để cấp cứu cho nạn nhân thì sẽ không có hiệu quả.

Hãy chú ý các thông tin được ghi bên ngoài thân máy, các máy khử rung tim AED trainer đều sẽ được ghi rõ ràng đây là máy dùng để tập huấn, còn máy thật thì sẽ không có các thông tin này.

4.3. máy khử rung tim AED đã sốc điện bao nhiêu lần.

Pin của một máy khử rung tim AED chỉ đủ năng lượng để thực hiện được một số lần sốc điện nhất định. Ví dụ với máy khử rung tim AED HS1 của hãng Philips, trong 1 chu kỳ pin máy chỉ có thể sốc điện được tối đa 200 lần. Do vậy, nếu máy khử rung tim AED đã thực hiện quá số lần sốc điện này, năng lượng còn lại của pin sẽ không đủ để máy tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Nếu máy không sử dụng được, bạn chỉ cần CPR cho nạn nhân. Đừng cố tìm kiếm chiếc máy khác vì điều này đang lãng phí thời gian bạn có thể cứu nạn nhân. Trong trường hợp bạn có người hỗ trợ cùng thực hiện sơ cấp cứu, hãy nhờ họ tìm kiếm một chiếc máy khử rung tim AED khác.

4.4. Pin của máy đã được thay mới từ bao giờ?

Như đã trình bày phía trên về số lần sốc tối đa trong 1 chu kỳ pin, đồng thời nếu để trong thời gian dài năng lượng của pin cũng sẽ hao đi. Việc năng lượng pin giảm sẽ làm chậm tốc độ phân tích của máy.

Vì thế nhà sản xuất luôn yêu cầu rằng, mỗi lần thay pin sẽ có nhãn dán rõ ràng thời gian thay, để người sử dụng có thể cân nhắc sử dụng máy khử rung tim AED này hay không. Cũng như phục vụ cho những lần bảo trì, thay pin tiếp theo. Thời gian thay pin khuyến nghị của nhà sản xuất là 5 năm kể từ lần thay pin trước.

4.5. Điện cực trẻ em hay người lớn.

Năng lượng cú sốc điện đối với người lớn và trẻ em (trẻ từ 1-8 tuổi hoặc có cân nặng dưới 25kg) khác nhau vì năng lượng này được tính theo cân nặng của nạn nhân. Đồng thời với mỗi đối tượng khác nhau, cách đặt điện cực cũng sẽ khác nhau. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng điện cực phù hợp với đối tượng sơ cấp cứu.

Lưu ý: Đối với một số máy khử rung tim AED có điện cực có thể dùng chung cho cả người lớn và trẻ em, bạn hãy lưu ý nút công tắc và chuyển chế độ sao cho phù hợp với nạn nhân trước khi tiến hành sơ cấp cứu.

4.6 Đảm bảo các điều kiện trên người nạn nhân để máy hoạt động hiệu quả.

Tháo các đồ vật kim loại trên người nạn nhân ra: Đồng hồ, thắt lưng da, vòng tay, vòng cổ,…và điện thoại vì những vật dụng này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phân tích và sốc điện của máy khử rung tim AED.

Mồ hôi hoặc nước sẽ làm giảm hiệu quả của cú sốc điện. Do đó, nếu người nạn nhân nhiều mồ hôi hoặc được cứu từ dưới nước lên bạn cần lau khô người nạn nhân trước khi sử dụng máy khử rung AED.

4.7. Tuyệt đối không chạm vào người nạn nhân trong lúc máy đang phân tích hay sốc điện.

Trong khi sử dụng, máy sẽ phân tích các chỉ số của nạn nhân để đưa ra quyết định có sốc điện hay không? Khi đó, bạn cần lưu ý:

Khi máy đang phân tích, việc chạm vào người nạn nhân có thể làm sai lệch kết quả phân tích.

Dòng điện từ máy khử rung tim AED phóng ra có thể khiến tim ngừng đập trong một khoảng thời gian để tạo điều kiện cho tim đập bình thường trở lại. Vì thế nếu một người khỏe mạnh chịu tác dụng của dòng điện này sẽ vô cùng nguy hiểm.

Việc sử dụng máy khử rung tim một cách chính xác và hiệu quả không chỉ giúp tăng năng suất công việc mà còn đảm bảo an toàn cho người vận hành và thiết bị. Hãy luôn tuân thủ các hướng dẫn và quy tắc an toàn khi sử dụng máy khử rung tim để đạt được kết quả tốt nhất.


Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay