MERS-COV Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông| Wellbeing
Bài viết được tổng hợp bởi Phạm Hải Anh | Chuyên viên tập huấn, dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona, hay còn gọi là MERS – CoV (Middle East respiratory syndrome – Corronavirus) là bệnh lý hô hấp cấp tính có biểu hiện sốt, ho và khó thở và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng như SARS, suy thận cấp, đông máu nội quản … và tử vong.
1. Tác nhân gây bệnh
Các Coronavirrus thuộc hai phân họ Coronavirinae và Torovirinae đều thuộc họ Coronaviridae. Các virus Corona thường gây ra các biểu hiện bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở một số loài động vật có vú và chim. Ở người, các virus này đã được xác định thường gây nên bệnh cảm cúm.
MERS – CoV thuộc họ coronavirus, lần đầu tiên được báo cáo trong năm tại Saudi Arabia.
2. Dịch tễ học
2.1 Nguồn bệnh
Nguồn gốc của vius Mers – CoV chưa được hiểu đầy đủ. Theo các kết quả phân tích gen của virus này, người ta cho rằng Mers – CoV có nguồn gốc ban đầu từ loài dơi, sau đó được truyền cho lạc đà. Trên những ca bệnh Mers – CoV đầu tiên tại Châu Phi và Trung Đông, kết quả phân tích gen cho thấy Coronavirrus trên người có cùng đặc điểm với Coronavirus ở lạc đà, vì vậy có thể lạc đà là vật chủ chính lây truyền MERS – CoV cho người.
2.2 Đường lây truyền
Dựa trên bằng chứng có sự tương đồng về bộ gen của Coronavirus ở lạc đà vùng Trung Đông và MERS – CoV ở con người, các nghiên cứu cho rằng virus này đã lây truyền từ lạc đà sang người do tiếp xúc gần. Trong các vụ dịch Mers – CoV ở một số quốc gia, phần lớn các trường hợp người bị nhiễm MERS-CoV đã được ghi nhận do lây nhiễm từ người sang người qua chất tiết đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc người bệnh.
Các Virus Corona thường gây bệnh vào mùa đông và đầu mùa xuân.
2.3 Phân bố dịch tễ
Hai ca bệnh Mers – CoV đầu tiên được xác định vào năm 2012, tại Ả Rập Saudi trên 1 người sống tại Jeddah và một người Quata đi du lịch đến Ả Rập Saudi. Tiếp sau đó, các ca bệnh lần lượt được thông báo tại một số nước vùng Trung Đông. Trước số lượng ca mắc MERS – CoV có xu hướng gia tăng, ngày 29/5/2013 Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo MERS -CoV là một “Mối đe dọa cho toàn thế giới”. Tính đến tháng 7 năm 2015, các trường hợp mắc MERS – CoV đã được báo cáo tại hơn 21 quốc gia, bao gồm một loạt các nước ở vùng Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á, một số nước ở Châu Âu và Hoa Kỳ.
3. Lâm sàng
Biểu hiện của MERS – CoV có thể từ không có triệu chứng đến viêm phổi nặng dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) và các biểu hiện suy thận, đông máu rải rác nội mạch và viêm màng ngoài tim.
Thời kỳ ủ bệnh: của MERS khoảng 5 ngày, dao động từ 2-15 ngày
Thời kỳ khởi phát: Thường gặp các biểu hiện giống cúm, như sốt trên 38 độ, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, gai rét hoặc ớn lạnh, đau họng, ho khan, chảy nước mũi, tức ngực và đau mỏi cơ – khớp.
Thời kỳ toàn phát: Trong những trường hợp nặng, bệnh thường diễn biến trong 2 tuần.
Khoảng 50% số bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp trong tuần đầu của bệnh. Các biểu hiện nặng khác của bệnh có thể gặp như sốc, viêm màng ngoài tim, đông máu nội quản. Đặc biệt biểu hiện tổn thương thận cấp hay gặp trong Mers – CoV.
Khoảng 25% số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, buồn nôn và tiêu chảy.
Những người có cơ địa người già, có bệnh mãn tính kèm theo như tâm phế mạn, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn,… thường có nguy cơ nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Theo Bộ môn Truyền nhiễm – ĐH Y Hà Nội
Các bạn có thể tham khảo thêm các kiến thức y khoa tại đây