Các khóa học đã đăng ký

Mạch máu tổn thương lành lại như thế nào | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Mạch máu tổn thương sẽ kích hoạt một chuỗi các phản ứng hóa học trong cơ thể để tạo thành cục máu đông, nhanh chóng chặn máu thoát ra tại vị trí tổn thương. Mạch máu lớn trong cơ thể bị tổn thương thì máu sẽ chảy ồ ạt, cục máu đông không thể hình thành và có thể dẫn đến tình trạng sốc.

1. Mạch máu tổn thương sẽ biểu hiện như thế nào?

Mạch máu khác nhau bị tổn thương sẽ có biểu hiện chảy máu khác nhau. Động mạch dẫn máu từ tim đi các cơ quan trong cơ thể, chịu áp lực từ tim. Nếu một động mạch bị tổn thương thì tình trạng chảy máu sẽ rất nghiêm trọng. Máu có màu đỏ tươi, phun thành tia theo nhịp đập của tim. Nếu một người bị chảy máu động mạch thì lượng máu trong cơ thể sẽ mất nhanh chóng. Nếu mất quá 1/3 thể tích máu trong cơ thể thì dẫn đến sốc do giảm thể tích.

Tĩnh mạch dẫn máu từ cơ quan trở về tim, máu khi đã trao đổi oxy ở cơ quan nên có màu đỏ thẫm. Máu trong tĩnh mạch chịu ít áp lực hơn so với động mạch. Khi bị chảy máu ở những tĩnh mạch nông dưới da, máu có thể chảy thành dòng và không thể tự cầm. Trong một vài trường hợp, máu bị đọng lại do sự giãn rộng quá mức của tĩnh mạch. Khi những tĩnh mạch này bị tổn thương, máu có thể chảy ra rất nhiều từ vết thương và làm giảm thể tích máu trong cơ thể nhanh chóng. 

Hầu hết mọi vết thương đều có sự chảy máu của mao mạch. Ban đầu, máu có thể chảy nhanh, nhưng lượng máu bị mất thường ít. Các vết bầm được hình thành khi các mao mạch dưới da bị vỡ do tác động của lực, gây chảy máu vào mô.

2. Mạch máu tổn thương lành lại bằng cách nào

Ban đầu, khi một mạch máu bị tổn thương nó sẽ co hẹp lòng mạch lại để ngăn việc mất thêm nhiều máu hơn. Tiếp theo, các tế bào tiểu cầu cùng các mô tại vị trí bị tổn thương sẽ kích hoạt các phản ứng hóa học để hình thành một chiếc lưới. Chiếc lưới này sẽ bắt các tế bào máu khác để tạo thành cục máu đông. Sau đó, cục máu đông sẽ đến vị trí bị tổn thương và tạo thành nút chặn ngăn dòng máu thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, huyết thanh từ các cục máu đông chứa kháng thể và những tế bào đặc hiệu sẽ khởi động quá trình làm lành vết thương.

Các cục máu đông là một khối dạng như thạch. Sau đó các tế bào đặc hiệu (nguyên bào sợi) hình thành một nút bên trong cục máu đông. Sau đó, nút này khô đi và trở thành một mảng cứng (vảy) làm kín và bảo vệ vùng tổn thương cho tới khi lành hoàn toàn.

Các bước hình thành cục máu đông như sau:

Bước 1: Tổn thương. Tại vùng tổn thương, tiểu cầu trong máu tập trung lại để hình thành nên cục máu đông. Các tế bào khác được kéo lại gần để giúp làm lành tổn thương.

Bước 2: Đông máu. Cục máu đông được tạo nên từ tiểu cầu và protein đông máu. Các tế bào tái tạo mô di chuyển vào vùng làm tổn thương để bắt đầu quá trình làm lành.

Bước 3: Nút lại và hình thành vảy. Một nút được tạo từ mô xơ hình thành bên trong cục máu đông. Nút này cứng lại dần và tạo vảy, cuối cùng sẽ rụng ra khi lớp da bên dưới đã lành lại.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay