Hệ miễn dịch hoạt động như thế nào? (phần 2)| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Hệ miễn dịch bao gồm miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Miễn dịch thu được hình thành thông qua việc tiếp xúc với kháng nguyên. Miễn dich thu được có hai phương pháp đáp ứng đó là đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch tế bào.
1. Miễn dịch thu được là gì?
Miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu) là 1 trong 2 loại miễn dịch của cơ thể. Miễn dịch thu được hình thành thông qua việc tiếp xúc với kháng nguyên. Kháng nguyên có thể là virus, vi khuẩn hoặc các phân tử lạ xâm nhập vào cơ thể.
Chúng ta có thể tạo miễn dịch chủ động bằng cách đưa kháng nguyên vào trong cơ thể thông qua vắc xin. Vắc xin có thể là vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin chết, vắc xin tách chiết hoặc là vắc xin tái tổ hợp. Mục đích gây miễn dịch chủ động đó là tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.
Ngoài ra, chúng ta cũng có miễn dịch thu được thông qua việc bị ốm. Sau khi chúng bị ốm, cơ thể đã tiếp xúc với các loại vi khuẩn, virus gây bệnh và hình thành kháng thể. Quá trình hình thành này gồm 3 bước: nhận diện, hoạt hóa và điều hòa.
2. Miễn dịch thu được hình thành như thế nào?
Quá trình hình thành miễn dịch thu được trải qua 3 bước là nhận diện, hoạt hóa và hiệu ứng. Quá trình này liên quan mật thiết với hệ thống miễn dịch tự nhiên. Có thể nói, miễn dịch tự nhiên là bước khởi đầu của miễn dịch thu được.
2.1 Bước nhận diện kháng nguyên
Khi kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể chúng ta, vượt qua hàng rào vật lý và hóa học thì sẽ gặp hàng rào tế bào. Các đại thực bào đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các kháng nguyên lạ. Sau khi đã bắt và tiêu diệt các kháng nguyên lạ, đại thực bào sẽ truyền các thông tin của kháng nguyên cho các tế bào lympho ở hạch gần khu vực kháng nguyên xâm nhập. Đây cũng chính là lý do chúng ta hay bị nổi hạch gần những vùng viêm, chẳng hạn như hạch sau tai với quai bị (viêm tuyến nước bọt), amidan với viêm họng…
Những tế bào lympho sau khi nhận được thông tin kháng nguyên được gọi là tế bào lympho đã mẫn cảm (hay hoạt hóa). Các lympho bào này sẽ sản xuất ra những chất chống lại đặc hiệu với kháng nguyên đó. Chất này chính là kháng thể.
Trong lần tiếp xúc với các kháng nguyên đầu tiên, miễn dịch đặc hiệu có cường độ đáp ứng kém. Tuy nhiên, các lympho bào đã được mẫn cảm sẽ trở thành các tế bào trí nhớ. Nếu tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây ra mẫn cảm thì miễn dịch đặc hiệu sẽ có cường độ đáp ứng mạnh hơn và thời gian duy trì đáp ứng dài hơn.
2.2 Bước hoạt hóa
Trên mỗi tế bào lympho đã mẫn cảm sẽ có các phân tử tiếp nhận thông tin. Mỗi phân tử này sẽ có tương ứng với một tế bào thực bào trình diện. Khi lympho bào liên kết với thực bào trình diễn thì sẽ tạo ra quá trình hoạt hóa lympho bào.
2.3 Bước điều hòa
Quá trình đáp ứng miễn dịch chịu sự điều hòa rất phức tạp do nhiều loại tế bào tham gia vào quá trình đó. Ngay khi đại thực bào xử lý và trình diện kháng nguyên, có hai loại lympho bào T tiếp nhận. Đó là lympho bào T hỗ trợ và T ức chế. T hỗ trợ sẽ tăng quá trình sản xuất ra kháng thể dịch thể. T ức chế sẽ kìm hãm quá trình tạo ra kháng thể. Sự điều hòa này nếu bị rối loạn có thể gây ra những tình trạng bệnh lý.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây