Đánh giá chuyên sâu nạn nhân – Cơ chế gây thương tích| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Cơ chế gây thương tích quyết định việc nạn nhân chịu một hay nhiều thương tích. Do đó, nắm được diễn biến và cơ chế gây thương tích là rất quan trọng để người sơ cấp cứu đưa ra quyết định. Trong nhiều tình huống, chỉ những người xử trí ban đầu cho nạn nhân tại hiện trường mới nắm được những thông tin sống còn này.
1. Cơ chế gây thương tích phụ thuộc vào hoàn cảnh gây ra tai nạn.
Biết được cơ chế gây thương tích sẽ giúp đội ngũ cấp cứu dự đoán được loại và mức độ nghiêm trọng của thương tích cũng như chọn cách điều trị cần thiết và phù hợp. Nhờ vậy họ có thể chẩn đoán, điều trị và cải thiện kết quả của nạn nhân tốt hơn.
Mức độ và loại thương tích do va đập, như rơi từ trên cao hoặc và chạm xe có thể dự đoán được nếu như bạn biết chính xác tai nạn xảy ra như thế nào. Ví dụ ở cùng một tốc độ, ô tô bị đâm ở mạn bên có khả năng gây thương tích cho người ngồi trong xe nặng hơn là ô tô bị đâm trực diện. Điều này có thể lý giải rằng mạn bên của ô tô không thể hấp thụ lực bằng phần trước của xe.
Ngoài ra, tài xế xe ô tô khi bị va chạm sẽ có các chấn thương điển hình do dây bảo hiểm gây ra như gãy xương đòn, gãy xương sườn, bầm máu dưới da vùng bụng hoặc ngực và nặng hơn có thể là tụ máu cơ tim hoặc phổi.
2. Các lực tác động lên cơ thể như thế nào?
Cường độ lức tác động khi va đập cũng là yếu tố quan trọng quyết định loại hoặc mức độ nghiêm trọng của thương tích. Ví dụ, nếu một người rơi xuống mặt đất cứng từ độ cao 1m hoặc thấp hơn thì anh ta có thể bị bầm tím những thương tích sẽ ít nghiêm trọng. Một người rơi từ độ cao trên 2 m có thể bị các thương tích nghiêm trọng hơn như vỡ xương chậu và chảy máu trong.
Người bị ngã từ cầu thang có thể chỉ nói với bạn rằng họ bị thương ở mắt cá chân nhưng nếu va đập xuống bề mặt cứng, họ có thể bị chấn thương cột sống và/hoặc chấn thương đầu. Ngã từ 5 bậc cầu thang trở lên có nguy cơ gây thương tích lớn hơn ngã từ 5 bậc trở xuống.
Lưu ý rằng người cao tuổi hoặc những người có bệnh về xương như loãng xương có nguy cơ bị thương nặng hơn, dù chỉ bị đẩy hoặc ngã nhé.
3. Vậy những điều cần hỏi ở hiện trường là gì?
Khi bạn đang sơ cấp cứu một nạn nhân, hãy đặt câu hỏi cho nạn nhân hoặc bất kỳ người chứng kiến nào các câu hỏi để xác định cơ chế gây thương tích. Những người chứng kiến đặc biệt quan trọng nếu nạn nhân không thể nói chuyện với bạn. Một số câu hỏi đề xuất bao gồm:
- Nạn nhân có văng ra khỏi xe không?
- Nạn nhân có thắt dây an toàn không?
- Xe của nạn nhân có bị lật không?
- Nạn nhân có đội mũ bảo hiểm không?
- Nạn nhân rơi từ độ cao bao nhiêu?
- Nạn nhân rơi xuống nền cứng hay không?
Chuyển các thông tin mà bạn thu thập được cho đội cấp cứu
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây