YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH | WELLBEING
COPD - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tiến triển từ từ và nặng dần theo thời gian. Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể không gây ra triệu chứng nào. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này có thể tránh được các tổn thương phổi, các vấn đề hô hấp, thậm chí là suy tim. Bước đầu tiên là cần phát hiện các yếu tố nguy cơ gây phát triển bệnh để biết cách phòng tránh và không để bệnh tiến triển.
1. Khói thuốc lá.
Khói thuốc ảnh hưởng xấu tới hoạt động của lông chuyển biểu mô đường hô hấp, ức chế chức năng đại thực bào phế nang và tăng sinh các tuyến tiết nhầy. Khói thuốc lá gây tăng kháng lực đường hô hấp, giảm hoạt tính của men Antiprotease và kích thích bạch cầu phóng thích men tiêu protein.
Theo Hiệp hội lồng ngực Mỹ (ATS) và Hội Sáng kiến toàn cầu vì Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (GOLD) có khoảng 15% người hút thuốc lá có triệu chứng của COPD và 80-90% bệnh nhân COPD có nghiện thuốc lá.
2. Bụi và hoá chất nghề nghiệp.
Các tác nhân bụi và hoá chất nghề nghiệp khi xâm nhập vào đường thở lắng đọng ở biểu mô niêm mạc phế quản, lòng phế nang từ đó gây viêm phù nề, tăng tiết và co thắt cơ trơn phế quản. Quá trình này lặp đi lặp lại gây phù nề, phì đại cơ trơn và hẹp lòng đường thở.
3. Ô nhiễm không khí.
Không khí ô nhiễm bởi khói than, bụi, hóa chất, chất thải xe cơ giới, vi khuẩn, nấm mốc … Ô nhiễm không khí sẽ làm nặng thêm rối loạn thông khí và làm giảm chức năng hô hấp.
4. Nhiễm trùng đường hô hấp.
Trẻ em dưới 8 tuổi khi bị nhiễm trùng đường hô hấp dễ dẫn đến tổn thương niêm mạc đường hô hấp và đây là một trong những điều kiện khi trưởng thành nguy cơ cao bị mắc COPD.
Nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.
Những người có tiền sử hen phế quản.
5. Yếu tố di truyền và cơ địa.
Thiếu hụt men Alpha1-Antitrypsine: Ở phổi men Alpha1-Antitrypsine ức chế các protease gây tiêu huỷ protein làm giảm đi chất tạo nhày.
Hội chứng rối loạn vận động nhung mao
Tăng tính phản ứng của phế quản.
Tuổi trên 40.
Giới: Thường mắc ở nam giới.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây