YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (PHẦN 3) | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.
Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing
Một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến việc mắc bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) có thể thay đổi được sẽ giúp chúng ta dự phòng mắc bệnh tốt hơn. Ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến 5 yếu tố nguy cơ là: Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, thay đổi lối sống, hút thuốc lá và stress.
1. Rối loạn lipid máu.
Lipid máu hay một còn có tên gọi phổ biến hơn là "mỡ máu". Đây là thành phần rất quan trọng của cơ thể nói chung và trong máu nói riêng, nó bao gồm Cholesterol và Triglycerides. Trong đó, quan trọng nhất là Cholesterol.
Sự gia tăng acid béo tự do (FFAs) huyết tương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ĐTĐ type 2 thông qua cơ chế gây kháng insulin. ĐTĐ type 2 phát triển vì tế bào tụy không tiết đủ insulin để bù cho tình trạng kháng insulin càng ngày càng tiến triển vì thế có sự liên quan chặt chẽ giữa rối loạn lipid máu và ĐTĐ type 2. Trong một nghiên cứu ở những đối tượng không bị ĐTĐ, sự đề kháng insulin xuất hiện 2 đến 4 giờ sau khi gia tăng cấp tính nồng độ axít béo tự do và cần khoảng một thời gian tương đương để biến mất sau khi nồng độ axít béo tự do huyết tương trở lại bình thường. Sự gia tăng axít béo tự do trong huyết tương sau vài giờ sẽ đưa đến gia tăng triglyceride trong tế bào cơ và đồng thời gây đề kháng insulin, axít béo tự do có thể gây kháng insulin do gia tăng stress oxy hóa, axít béo tự do cũng ảnh hưởng chức năng của insulin trên gan thông qua cơ chế tăng phân giải glycogen dự trữ và vì vậy gây tăng sản xuất glucose ở gan và làm tăng glucose máu. Tuy nhiên, gia tăng nồng độ axít béo tự do góp phần gây rối loạn tiết insulin chỉ trên đối tượng có nguy cơ cao.
2. Tăng huyết áp.
Tăng huyết áp (THA) là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ type 2. Khoảng 2/3 người bệnh Đái tháo đường có mắc tăng huyết áp. Cả hai bệnh Đái tháo đường và Tăng huyết áp đều làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Hội Đái tháo đường và Viện Y tế Quốc gia Mỹ đề nghị người bệnh nên giữ huyết áp dưới 130/80 mmHg và nên kiểm tra huyết áp ít nhất 2 đến 4 lần trong một năm. Tăng huyết áp có kèm theo Đái tháo đường gây biến chứng tim mạch nặng.
3. Hút thuốc lá.
Hút thuốc lá có liên hệ đến sự đề kháng insulin, là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ type 2 ở cả nam lẫn nữ. Nghiên cứu cho rằng thuốc lá tăng 70% nguy cơ của ĐTĐ type 2 và ích lợi của việc ngừng hút thuốc lá đối với ĐTĐ type 2 chỉ có thể thấy sau 5 năm và để đạt được giống như người không hút thuốc bao giờ thì thời gian ngừng hút phải trên 20 năm.
4. Thay đổi lối sống.
Theo ATP III 2002, điều quan trọng của điều trị đái tháo đường là phải thay đổi lối sống như: Giảm ăn chất béo bão hòa dưới 7% tổng số đơn vị calo mỗi ngày, ăn ít hơn 200 mg cholesterol mỗi ngày, chọn những thức ăn để làm tăng sự giảm LDL-C như stanol/sterol thực vật 2 gram/ngày và tăng sợi xơ hòa tan 15 - 20 gram/ngày, giảm cân nếu thừa cân, duy trì cân nặng hợp lý và dự phòng tăng cân, hoạt động thể lực vừa phải để tiêu hao khoảng 200 kcal/ ngày.
5. Stress.
Tình trạng căng thẳng cục bộ và kéo dài liên quan đến đề kháng insulin, tuy nhiên sự đề kháng trong trường hợp này có khả năng hồi phục. Các nhà nghiên cứu cho rằng glucocorticoid gia tăng lúc bị stress có thể đóng góp vào sự đề kháng insulin. Stress tác động đến sự đề kháng insulin trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến tăng nồng độ leptin máu và ức chế hoạt động của leptin, thúc đẩy tình trạng đề kháng leptin, góp phần vào sự đề kháng insulin.
Trong tất cả những yếu tố nguy cơ nói trên thì việc thay đổi lối sống ảnh hưởng trực tiếp đến việc mắc bệnh và điều trị bệnh. Phần lớn nguyên nhân dẫn khiến cho người bệnh mắc đái tháo đường là lối sống không điều độ, khoa học. Nhưng cũng chính từ vịệc thay đổi lối sống sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh rất tốt, đặc biệt phòng tránh được những biến chứng của bệnh.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Tài liệu tham khảo:
1. World Health Organization/International Diabetes Federation (2007), Definition, Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus and Its Complications, Report of a WHO/IDF Consultation, pp. 1 - 3.
2. Nguyễn Hải Thủy (2009), Bệnh tim mạch trong đái tháo đường, NXB Đạị học Huế, tr. 25.
3. Lindstrom J and Tuomilehto J (2003), The Diabetes Risk Score, A practical tool to predict type 2 diabetes risk, Diabetes Care, Vol. 26, pp. 725.
4. Heikes K.E và et al (2008), Diabetes risks calculator. A simple tool for detecting undiagnosed diabetes and pre - diabetes, Diabetes Care, Vol. 31, pp. 1040 - 1045.
5. American Diabetes Association (2010), Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus”, Diabetes Care, Vol. 33, pp. S62 - S66.
Xem thêm:
- Sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường - Biến chứng của bệnh.