Các khóa học đã đăng ký

YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (PHẦN 2) | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến việc mắc bệnh Đái tháo đường có thể thay đổi được sẽ giúp chúng ta dự phòng mắc bệnh. Những yếu tố này bao gồm: Béo phì, hoạt động thể lực, chế độ ăn, rượu bia, tăng huyết áp, thuốc lá, stress ... Ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến 4 yếu tố nguy cơ là: Béo phì, hoạt động thể lực, chế độ ăn và thói quen uống rượu bia.

yeu-to-thay-doi-duoc-dai-thao-duong-Wellbeing

1. Béo phì.

Là một đặc điểm thường đi kèm trong Đái tháo đường type 2 và là một yếu tố nguy cơ của tiền Đái tháo đường. Béo phì đã tăng nhanh ở nhiều nhóm dân cư trong vài năm gần đây do hậu quả của sự tác động qua lại  giữa yếu tố di truyền và môi trường bao gồm: Rối loạn chuyển hóa, ít hoạt động thể lực, ăn quá nhiều so với nhu cầu... Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 thấp nhất ở những người có BMI < 21. Hơn nữa, béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, hạ thấp nồng độ HDL.C và làm tăng glucose máu.

2. Hoạt động thể lực ít.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc không hoạt động thể lực trong hình thành tiền Đái tháo đường type 2, lối sống tĩnh tại đã kéo theo sự gia tăng tương ứng tỷ lệ béo phì. Không hoạt động là nguyên nhân chính của bệnh tim mạch, bệnh mạch vành và tử vong, người không hoạt động thể lực có khả năng dễ phát triển bệnh tim gấp đôi những người có nhiều hoạt động. Vận động thể lực làm tăng nhạy cảm insulin và dung nạp glucose. Đối tượng có tiền sử gia đình, bằng việc tập luyện và có lối sống lành mạnh sẽ làm chậm lại, thậm chí phòng ngừa được sự khởi phát của Đái tháo đường lâm sàng.

3. Chế độ ăn.

Chế độ tiết thực với tiêu thụ nhiều rau, trái cây, cá, thịt gia cầm và ngũ cốc, làm giảm nguy cơ Đái tháo đường type 2. Số lượng lẫn chất lượng của chất béo đều ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose và sự nhạy cảm insulin. Thức ăn có nhiều chất béo gây rối loạn chuyển hóa glucose bằng nhiều cơ chế khác nhau như giảm khả năng gắn insulin vào thụ thể, gây rối loạn vận chuyển glucose, giảm tổng hợp glycogen và tích tụ triglyceride ở cơ vân. Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều carbohydrate làm tăng tần suất mắc Đái tháo đường. Đặc biệt có rất nhiều nghiên cứu chứng tỏ ăn nhiều carbohydrate làm giảm HDL và làm gia tăng triacylglycerol. Mục tiêu được đề xuất là nên thêm đường ít hơn 10% năng lượng hàng ngày. Mặc khác, những nghiên cứu trên nhiều mẫu động vật khác nhau cho thấy gia tăng tiêu thụ đường sẽ dẫn đến tăng huyết áp ngay cả sau khi kiểm soát cân nặng. Một phân tích gộp 88 nghiên cứu cho thấy rằng liên quan giữa thức uống có đường làm tăng cân ảnh hưởng rất nhiều trên giới nữ.

4. Thói quen uống rượu bia.

Lượng lớn alcohol tiêu thụ làm giảm hấp thụ Glucose qua trung gian insulin, có lẽ do tác dụng độc của rượu trực tiếp lên tế bào tuyến tuỵ hay ức chế sự tiết insulin và tăng đề kháng insulin. Hơn nữa, dùng nhiều alcohol làm tăng BMI và nguy cơ khác của Đái tháo đường trong khi uống rượu ít hoặc vừa làm giảm các nguy cơ này. Nhiều nghiên cứu cũng đã xác định rằng bệnh liên quan đến uống nhiều rượu và nghiện rượu là đột quỵ, bệnh cơ tim do rượu, nhiều loại ung thư, xơ gan, và viêm tụy, tai nạn... 

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thừa Nguyên và Trần Hữu Dàng (2009), "Tỷ lệ kháng insulin ở người cao tuổi béo phì dạng nam", Tạp chí Y học thực hành NXB Bộ Y tế. 673 - 674, tr. 87 - 88.

2. American Diabetes Association (2008), Standards of Medical Care in Diabetes - 2008, Diabetes Care, Vol. 31 (1), pp. S 13, 14, 20.

3. World Health Organization/International Diabetes Federation (2007), Definition, Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus and Its Complications, Report of a WHO/IDF Consultation, pp. 1 - 3.

4. Harvard School of Public Healthư (2011), The Nutrition Source: Sugary Drinks or Diet Drinks: What’s the Best Choice?

5. Hien T. Nghiem (2010), Cutting Intake of Sugar - Sweetened Drinks Lowers BP in Obeservational Study CME, Medscape CME, 06/01/2010.

6. Nguyễn Hải Thủy (2009), Bệnh tim mạch trong đái tháo đường, NXB Đạị học Huế, tr. 25.

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay