XỬ TRÍ KHI HÍT PHẢI KHÓI ĐỘC VÀ KHÍ ĐỘC | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giàng sự sống.
Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing
Việc hít phải các loại khói, khí (như carbon monoxide) hoặc hơi độc có thể gây chết người. Khi ấy nạn nhân có thể có nồng độ oxy trong các mô cơ thể thấp và do đó cần được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Đừng cố gắng giải cứu nạn nhân nếu việc đó đặt bạn vào tình huống nguy hiểm; khói nhiều trong một không gian chật hẹp sẽ nhanh chóng làm yếu đi những người không có trang thiết bị bảo hộ.
1. Hít phải khói độc và khí độc.
HÍT PHẢI KHÓI
Bất kỳ ai ở trong một không gian nhỏ hẹp trong một đám cháy đều cần được giả định là đã hít phải khói. Khói từ vật liệu nhựa, đệm xốp và tấm phủ tường nhà bị cháy có nhiều nguy cơ chứa các chất độc hại. Nạn nhân hít phải khói hay khí độc cũng cần được kiểm tra các thương tổn khác do lửa, như các vết bỏng ngoài da.
HÍT PHẢI KHÍ CARBON MONOXIDE (CO)
Carbon monoxide là một khí độc, nhưng rất khó phát hiện do chúng không mùi, không vị. Chất khí này tác động trực tiếp lên hồng cầu, ngăn cản hồng cầu vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể. Nếu nạn nhân hít phải lượng lớn khí CO – ví dụ, từ khói hoặc khí thải xe cộ trong một không gian nhỏ hẹp – khí này có thể nhanh chóng gây độc và nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, việc tiếp xúc trong một thời gian dài với dù chỉ là một lượng nhỏ khí CO – do rò rỉ khói từ lò sưởi hay ống khói chẳng hạn – cũng vẫn gây nguy hiểm chết người.
2. Sự nguy hiểm khi hít phải khói, khí độc.
Loại khói, khí | Nguồn gốc | Tác hại |
Carbon monoxide (CO) | Khí thải từ xe cộ. Khói từ các đám cháy. Luồng khí từ các ống khói bị nghẹt bay ngược trở lại. Khí thoát ra từ các lò sưởi kém chất lượng hoặc các nồihơi không được bảo trì thường xuyên. Sử dụng vỉ nướng BBQ loại một lần hay xách tay trong không gian chật hẹp | Tiếp xúc lâu dài với nồng độ khí thấp: Đau đầu, lẫn lộn, kích động, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Tiếp xúc thời gian ngắn với nồng độ khí cao: Da xanh tím, khó thở, thở nhanh, suy giảm mức độ phản ứng, dẫn tới mất phản ứng. |
Khói | Lửa: khói nguy hiểm hơn lửa. Khói có nồng độ oxy thấp (do oxy đã được dùng để duy trì sự cháy tạo ra lửa) và có thể chứa các loại khí độc hại thải ra từ một số vật liệu bị cháy. | Khó thở, thở nhanh, khò khè. Ho và khò khè. Bỏng ở mũi hoặc miệng. Bồ hóng bám quanh miệng và mũi. Không phản ứng |
Khí cacbonic (CO2) | Khí cacbonic có xu hướng tích tụ và trở nên nguy hiểm ở những nơi khép kín sâu dưới lòng đất, như mỏ than, giếng và các bể ngầm. | Khó thở. Đau đầu. Lẫn lộn Không phản ứng |
Dung môi và nhiên liệu đốt cháy | Keo dán. Dung dịch tẩy rửa. Xăng thơm. Bình ga du lịch và bếp dùng nhiên liệu propan (những người lạm dụng dung môi có thể sử dụng túi nhựa để cô đặc hơi, đặc biệt là bằng keo) | Đau đầu và nôn. Suy giảm mức độ đáp ứng. Tắc nghẽn đường thở do dùng túi nhựa hoặc do sặc khi nôn, có thể dẫn đến tử vong. Lạm dụng dung môi là nguy cơ tiềm ẩn gây ngừng tim |
3. Hành động.
Gọi cấp cứu 115. Thông báo với trung tâm cấp cứu rằng bạn nghi ngờ nạn nhân hít phải khí độc.
Nếu cần thoát khỏi nguồn khí độc, hãy hỗ trợ nạn nhân di chuyển đến nơi có không khí trong lành hơn. Bản thân bạn không được vào vùng khí độc nguy hiểm.
Hỗ trợ và khuyến khích nạn nhân hít thở bình thường. Nếu quần áo của nạn nhân bị cháy, hãy cố gắng dập lửa. Xử lý các vết bỏng và vết thương khác cho nạn nhân.
Ở cùng nạn nhân đến khi đội ngũ cấp cứu đến. Theo dõi và ghi lại dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân – nhịp thở, mạch và mức độ phản ứng – cho đến khi xe cấp cứu đến.
4. Một số lưu ý:
Nếu nạn nhân đang ở trong một ga-ra đầy khí thải từ xe cộ, hãy mở rộng các cửa để khí độc thoát ra ngoài trước khi bạn đi vào.
Nếu nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng không còn phản ứng, hãy mở thông đường thở và kiểm tra nhịp thở.
Xem thêm: