Các khóa học đã đăng ký

TƯỞNG ĐÚNG MÀ SAI – NHỮNG LỖI LẦM KHI SƠ CỨU BẠN CHẮC CHẮN ĐÃ TỪNG MẮC PHẢI! | WELLBEING

Trịnh Hương Ly – Chuyên gia tập huấn Sơ cấp cứu
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Trong cuộc sống hàng ngày, việc thỉnh thoảng bị thương hay gặp các tình trạng sức khỏe khẩn cấp là điều không thể tránh khỏi. Bị bỏng khi nấu nướng, bị hóc nghẹn khi ăn uống hay các trường hợp nặng hơn như tai nạn giao thông, ngừng tim có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Hành động sơ cấp cứu khi các tình huống tổn thương xảy ra là vô cùng quan trọng, và sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu được làm đúng cách. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại rất nhiều những lầm tưởng không chính xác. Hãy cùng điểm xem bạn đã mắc bao nhiêu “lỗi lầm” thường gặp sau đây nhé!
1. Sơ cứu bỏng bằng kem đánh răng
Bỏng là tai nạn cực kì dễ gặp, đặc biệt là với phụ nữ do phụ nữ thường là người chịumtrách nhiệm nấu nướng trong gia đình. Điều này không có nghĩa rằng đàn ông thì không bị bỏng. Đàn ông, phụ nữ, người già hay trẻ em đều có thể là nạn nhân của bỏng. Bỏng là khi da hoặc bất kì bộ phận nào bị thương tổn do tác dụng của nhiệt độ, điện, hóa chất hay tia phóng xạ. Có ba cấp độ bỏng, trong đó thường gặp nhiều nhất chính là cấp độ I và IIA.
Khi bị bỏng, cảm giác đầu tiên của nạn nhân chính là nóng, đau và rát. Theo kinh nghiệm được truyền miệng, khi nạn nhân bị bỏng thường được khuyên bôi kem đánh răng lên vết bỏng cho mát và đỡ đau.Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc bôi kem đánh răng không có tác dụng hạ nhiệt và làm mát vết bỏng, nên đây là một hành động sơ

cứu sai. Việc bôi kem đánh răng hay bất cứ thứ gì như mỡ trăn, nước mắm trực tiếp lên vết bỏng còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng và làm chậm quá trình phục hồi của nạn nhân.
2. Ghì chặt khi nạn nhân lên cơn co giật
Nhìn thấy một ai đó lên cơn co giật có lẽ là trải nghiệm không dễ dàng gì, đặc biệt khi nạn nhân là đứa con bé bỏng của bạn hay là một người thân khác trong gia đình. Co giật là một tình trạng sức khỏe khi các cơ trong cơ thể co rút và giãn với một tốc độ nhanh và liên tục. Kết quả là cơ thể trở nên mất kiểm soát. Co giật có thể xảy ra với một bộ phận trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể Khi sơ cứu cho nạn nhân bị co giật, người sơ cứu thường có xu hướng ghì chặt nạn nhân. Tuy nhiên, hành động này tương đối nguy hiểm vì có thể gây đau cho nạn nhân. Nếu ghì quá chặt, nguy hiểm nhất có thể
khiến nạn nhân bị rách cơ hoặc gãy xương.
3. Ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam
Chảy máu mũi thường tự phát và lành tính. Tuy nhiên, chảy máu mũi cũng có thể là kết quả của các chấn thương vùng mặt, huyết áp cao và rối loạn đông máu. Trong trường hợp chảy máu mũi ồ ạt, máu có thể chảy xuống họng và gây nôn. Sơ cấp cứu chính xác sẽ giúp cầm máu nhanh chóng và hạn chế biến chứng do chảy máu vào đường thở.
Khi chúng ta còn bé, nếu bị chảy máu mũi, chúng ta thường được người lớn khuyên nên bịt chặt mũi và ngửa đầu ra sau. Khi lớn lên, chúng ta lại tiếp tục áp dụng phương pháp này với con trẻ. Tuy nhiên, việc ngửa đầu ra sau không giúp máu ngưng chảy nhanh hơn mà còn có thể khiến máu chảy ngược xuống cổ họng, gây buồn nôn hoặc/và nôn.

4. Nuốt cơm khi bị hóc xương
Trong khi ăn uống, đặc biệt là ăn các loại cá, việc hóc xương là tai nạn dễ gặp. Xương bị mắc ở một phần nào đó trong cổ họng khiến chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc nuốt thức ăn xuống, vướng víu ở cổ và gây đau. Xương vướng có thể đâm vào thành thực quản khiến nạn nhân đau đớn và có thể bị nhiễm trùng nếu không được lấy ra kịp thời.
Có một sự thật rằng khi bị hóc xương, một mẹo được khá nhiều người sử dụng chính là nuốt chửng một thìa cơm, một miếng bánh mì to với hi vọng sẽ “đẩy” được xương hóc xuống dạ dày theo. Trong trường hợp xương bé, không đâm hoặc đâm nông thì có thể có tác dụng. Tuy nhiên, do chúng ta không biết được chính xác xương hóc có đâm sâu vào thành họng hay không nên việc nuốt thức ăn lớn như vậy có thể khiến xương trượt và đâm sâu hơn, hoặc gây nghẹn, nghẹt thở cho nạn nhân.

Những sai lầm trong sơ cấp cứu được kể trên không hề hiếm gặp trong cuộc sống thực tế. Để biết cách sơ cứu đúng cách, bạn có thể tham gia các lớp tập huấn sơ cấp cứu hoặc đăng kí các khóa học sơ cấp cứu để được hướng dẫn. Ngoài ra, việc có một cuốn sách hướng dẫn sơ cứu trong gia đình như cuốn “Sơ cứu nhanh – giành sự sống” của Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing cũng sẽ giúp bạn và người thân có một cuộc sống an toàn hơn!


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay