Các khóa học đã đăng ký

Trong cơ thể có những loại dịch nào?| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Dịch cơ thể có khoảng 40 lít được chia thành dịch trong tế bào (dịch nội bào) và dịch ngoài tế bào (dịch ngoại bào). Dịch nội bào có 25 lít và dịch ngoại bào có 15 lít. Dịch ngoại bào gồm có huyết tương, dịch kẽ, dịch bạch huyết, dịch não tủy, dịch trong ổ mắt và các dịch tiêu hóa…

1. Dịch trong cơ thể phân loại như thế nào?

Dịch trong cơ thể được chia thành dịch nội bào và dịch ngoại bào. Trung bình, cơ thể có khoảng 40 lít dịch trong đó 25 lít là dịch nội bào và 15 lít dịch ngoại bào. Dịch ngoại bào gồm có huyết tương, dịch kẽ, dịch bạch huyết, dịch não tủy, dịch trong ổ mắt, các dịch tiêu hóa…

Dịch ngoại bào được vận chuyển trong máu tuần hoàn, rồi được trong đổi với dịch của các mô thông qua hệ thống mao mạch. Tất cả mọi tế bào đều sống trong dịch ngoại bào nên dịch ngoại bào còn được gọi là nội môi (môi trường bên trong cơ thể).

Dịch ngoại bào chứa nhiều chất dinh dưỡng cho tế bào như oxy, glucose, acid amin... và các ion Na+, Cl-, HCO3-. Dịch ngoại bào cũng chứa CO2 và các sản phẩm chuyển hóa của tế bào. Các sản phẩm này được vận chuyển đến phổi hoặc thận để được bài xuất ra ngoài. Dịch nội bào chứa protein, lượng lớn ion K+, ma-giê, phốt-pho,… 

2. Những điều cần biết về huyết tương

Huyết tương là dịch lỏng của máu, màu vàng chanh. Thể tích huyết tương chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ thể. Thành phần huyết tương có nồng độ lớn các protein, vào khoảng 7,3g/dl. Các protein của huyết tương bao gồm albumin (giữ vai trò tạo áp lực thẩm thấu), globulin (có vai trò miễn dịch) và fibrinogen (có vai trò trong đông máu).

Áp lực thẩm thấu trong huyết tương còn được gọi là áp lực keo, có khuynh hướng kéo nước vào mạch máu. Áp lực keo và áp lực thủy tĩnh trong máu giúp tế bào không bị thừa hay thiếu nước. Điều này giải thích cho việc trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu protein lại có tình trạng phù. Do thiếu protein tạo nên áp lực keo không đủ làm cho nước thoát ra các khoảng trống giữa tế bào (khoảng kẽ) và gây phù.

3. Dịch kẽ là gì?

Dịch kẽ là dịch nằm trong các khoảng trống giữa các tế bào (khoảng kẽ). Dịch này chiếm 15% trọng lượng của cơ thể. Chất dinh dưỡng từ lòng mạch dưới tác dụng của các loại áp lực sẽ thoát vào dịch kẽ. Từ dịch kẽ, các chất dinh dưỡng sẽ tiếp tục qua màng và vào tế bào, các chất thải của tế bào cũng sẽ thoát ra dịch kẽ và vào mạch máu. Các chất thải này đến phổi, thận để được bài xuất ra ngoài.

Lượng protein trong dịch kẽ bằng khoảng 1/3 lượng protein của huyết tương.

4. Dịch bạch huyết có tác dụng gì?

Dịch bạch huyết là dịch kẽ chảy vào trong hệ thống mạch bạch huyết. Bên cạnh hệ tuần hoàn bao gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch thì cơ thể chúng ta còn có hệ thống mạch bạch huyết (bạch mạch). Hệ thống này là con đường chủ yếu để hấp thu chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa (đặc biệt là mỡ) vào cơ thể. Vi khuẩn cũng có thể từ ống tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ bạch huyết, tuy nhiên chúng bị bắt giữ và tiêu diệt tại các hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết còn là nơi chứa các tế bào miễn dịch, đây là lý do khi chúng ta bị viêm nhiễm thì các hạch lại nổi ở gần khu vực ổ nhiễm khuẩn.

Dịch bạch huyết vận chuyển trong hệ thông bạch mạch sẽ đưa lượng protein trở lại máu, do đó dịch này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ protein trong dịch kẽ, thể tích dịch kẽ và áp suất dịch kẽ.

5. Dịch não tủy quan trọng như thế nào?

Dịch não tủy được sản xuất ở não, dịch này là “tấm đệm” cho não ở trong hộp sọ. Não sẽ nổi trong dịch, do đó một va chạm mạnh vào đầu sẽ làm cho toàn bộ não chuyển động, không một phần nào của não bị “xoắn” lại vào lúc đó. Từ đó giảm thiểu các tổn thương đe dọa đến tính mạng.

Dịch não tủy cũng là nơi trao đổi chất dinh dưỡng của hệ thần kinh. Tuy nhiên, phần lớn quá trình chuyển hóa của não thực hiện trực tiếp với não.

6. Vai trò của dịch nhãn cầu.

Dịch nhãn cầu nằm trong ổ mắt, dịch này luôn giữ cho ổ mắt căng ra. Dịch này được tạo ra và tái hấp thu liên tục. Sự cân bằng này có tác dụng điều hòa thể tích và áp suất của dịch nhãn cầu.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay