Các khóa học đã đăng ký

Tim – sự kỳ diệu của tạo hóa| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Trái tim là một khối cơ rỗng, chia thành hai “cái bơm” riêng biệt với bốn ngăn ở hai nữa trái và phải của tim. Hai cái bơm này áp sát nhau qau một vách dọc, tim phải bơm máu lên phổi còn tim trái bơm máu đi khắp cơ thể.

1. Tim – sự kỳ diệu từ những chiếc van

Tim được chia làm hai bên, tim trái và tim phải. Mỗi bên của tim có hai buồng, buồng trên được gọi là nhĩ và buồng dưới được gọi là thất. Nhĩ có thành mỏng, chủ yếu là để chứa máu trước khi vào thất ở dưới. Thất có thành dày, là khối cơ lớn với nhiệm vụ bơm máu vào động mạch.

Giữa nhĩ và thất ở mỗi bên có van nhĩ thất làm vách ngăn. Van này chỉ cho phép máu đi một chiều từ nhĩ xuống thất. Máu đi từ nhĩ xuống thất thì van mở, khi thất co bóp bơm máu đi thì áp suất làm van đóng lại. Sự đóng mở van nhịp nhàng này giúp cho máu từ thất không lộn trở về nhĩ mà bị đẩy ra động mạch. Van nhĩ thất ở tim phải là van ba lá, van nhĩ thất ở tim trái là van hai lá.

Ở lỗ thông từ mỗi bên thất ra động mạch đều có van động mạch. Bên trái là van động mạch chủ cho máu từ thất trái qua động mạch chủ ra ngoại vi nuôi cơ thể. Bên phải là van động mạch phổi cho máu từ thất phải đi lên phổi lấy oxy. Khi thất giãn, máu ở động mạch không lộn về thất được vì các van động mạch đóng lại.

2. Tim – sự kỳ diệu từ cấu tạo của cơ

Cơ thể người có 3 loại cơ đó là cơ vân, cơ trơn và cơ tim. Cơ vân là cơ vận động có ý thức và thường gắn với xương. Cơ trơn là cơ vận động vô thức, là cơ tạo nên các tạng như dạ dày, ruột, bàng quang…

Vậy tại sao tim lại có hẳn một loại cơ riêng? Đó là vì sợi cơ tim là loại cơ vân có sợi actin và myosin hay nói đơn giản hơn, cơ tim có cấu trúc của cả cơ vân và cơ trơn hợp lại. Sự kết hợp này làm cho cơ tim có thể co ngắn lại như cơ vân nhưng lại hoạt động một cách vô thức. Chẳng ai muốn khi chúng ta ngủ, tay thư giãn thì tim cũng ngừng đập cả.

Cơ tim còn là một hợp bào, tức là một tập thể nhiều tế bào đan vào nhau. Điều này khiến cho khi một tế bào hoạt động thì điện thế của cơ lan ra khắp mọi tế bào của sợi cơ đó. Bình thương, điện thế hoạt động được truyền từ khối hợp bào ở nhĩ xuống khối hợp bào thất, do một hệ thống dẫn truyền được gọi là bó nhĩ thất.

Cơ tim hoạt động dựa trên hệ thống dẫn truyền gồm 5 cấu trúc. Bắt đầu từ nút xoang (1) truyền xung động xuống đường liên nút (2), xung động theo đường liên nút truyền đến nút nhĩ thất (3). Nó dừng lại một chút rồi đi xuống bó nhĩ thất (4), xung động theo bó nhĩ thất dẫn vào các sợi Purkinje (5) và từ đó đi ra khắp cả hai thất. Xung động theo hệ thống dẫn truyền này rất nhịp nhàng và hoạt động cho tới tận lúc chúng ta ngừng thở.

3. Tim – sự kỳ diệu từ cách hoạt động

Cơ tim giống cơ vân khi có thể co ngắn. Tuy vậy chức năng cơ tim lại khác cơ vân. Cơ vân co theo ý muốn, muốn nhanh hay châm hoặc giữ nguyên tuy thuộc vào ý muốn. Cơ tim thì lại hoạt động vô thức để đảm bảo sự nhịp nhàng tức là co xong thì giãn rồi sau đó lại co, có như vậy mới bơm máu được. Để đảm bảo được điều này thì tim phải có 4 đặc tính sau là tính hưng phấn, tính nhịp điệu, tính dẫn truyền và tính trơ có chu kỳ.

2.1 Tính hưng phấn

Tính hưng phấn là khả năng cơ tim tự phát sinh điện thế hoạt động, điện thế này làm co cơ tim. Nếu kích thích có cường độ thấp thì cơ tim không đáp ứng, nếu tăng cường độ kích thích đến ngưỡng thì cơ tim đáp ứng bằng cách co cơ.

2.2 Tính nhịp điệu

Tính nhịp điệu là khả năng phát xung làm tim đập nhịp nhàng theo tần số 60 – 80 lần/phút. Sự nhịp nhàng thể hiện ở việc co rồi lại giãn, co rồi lại giãn,… liên tiếp nhau. Xung động gây tim đập thường phát sinh ở nút xuoang rồi truyền đi khắp tim gây một lần tim đập.

2.3 Tính dẫn truyền

Tính dẫn truyền ở tim tùy thuộc vào từng phần khác nhau ở tim. Trung bình trong hệ dẫn truyền là từ 0,02 – 0,04m/s. Trong sợi cơ ở nhĩ cũng như ở thất, điện thế hoạt động được dẫn truyền với tốc đọ chừng 0,3 đến 0,5 m/s.

2.4 Tính trơ có chu kỳ ở tim

Tính trơ được thể hiện sau khi vừa hưng phấn co cơ xong thì một xung điện mới sẽ không thể kích thích được cơ tim để co bóp tiếp. Thời gian trơ ở thất từ 0,25 – 0,30 giây. 

Tất cả những đặc tính trên của tim đã đảm bảo được sự co bóp nhịp nhàng, kể cả khi đã tách ra khỏi cơ thể thì tim vẫn tự động co bóp nếu được nuôi dưỡng tốt.

3. Vậy quả tim có thật là hoạt động không ngừng nghỉ?

Chúng ta thường nói tim hoạt động liên tục. Điều này là không chính xác, bởi vì thời gian nghỉ của tim bằng thời gian hoạt động của nó!!!

Trung bình, một chu kỳ hoạt động của tim gồm 3 giai đoạn và trải dài trong vòng 0,8 giây. Các giai đoạn trong một chu kỳ hoạt động của tim bao gồm:

- Tâm nhĩ thu: tâm nhĩ co đẩy máu từ nhĩ xuống thất, giai đoạn này kéo dài 0,1 giây. Sau khi co, tâm nhĩ giãn suốt phần còn lại của chu kỳ tim (0,7 giây).

- Tâm thất thu: tâm thất co làm đóng van nhĩ thất, áp suất tiếp tục tăng lên làm mở các van động mạch, lúc này máu được tống vào các động mạch. Quá trình này kéo dài 0,3 giây cho đến khi áp suất trong thất giảm làm các van động mạch đóng lại.

- Tâm trương toàn bộ: giai đoạn này chính là lúc tim thực sự nghỉ ngơi, cả nhĩ và thất sẽ giãn ra. Không một xung động điện thế nào làm co cơ. Giai đoạn này kéo dài 0,4 giây.

Hoạt động và nghỉ ngơi theo chu kỳ như vậy thì trái tim mới đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay