Các khóa học đã đăng ký

Ảnh hưởng của chất độc đến cơ thể| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên – Điều phối dự án Sơ cứu nhanh Giành sự sống

Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing

Chất độc gây ảnh hưởng đến cơ thể nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc đường vào cơ thể. Những chất độc vào cơ thể do nuốt, tiếp xúc qua da thường gây những phản ứng chậm. Những chất độc di vào cơ thể do hít phải, tiêm truyền hoặc bắn vào mắt sẽ phát tác nhanh chóng. Cần nhanh chóng phát hiện loại chất độc và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

1. Chất động tác động đến cơ thể như thế nào?

Chất độc khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ đi vào máu và được đưa tới tất cả bộ phận, cơ quan trên cơ thể. Các biểu hiện của chất độc là rất đang dạng, có thể là nôn đặc biệt với các chất độc bị nuốt phải, có thể là khó thở khi hít phải chất độc. Các chất độc ảnh hưởng lên các bộ phận khác nhau của cơ thể như sau:

- Não: Gây lú lẫn, mê sảng, co giật hoặc mất ý thức.

- Miệng, môi, thực quản: Bỏng hoặc bị loét khi nuốt phải chất ăn mòn.

- Đường hô hấp, phổi: Khó thở ở các mức độ.

- Tim: Loạn nhịp hoặc ngừng tim.

- Gan: Tổn thương nặng, có thể không phục hồi.

- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy.

- Da: Bỏng hoặc loét. Ngoài ra, thuốc trừ sâu có thể hấp thụ qua da, gây phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân.

- Cơ: Co thắt gây đau, chất độc tiêm vào cơ có thể đi vào máu.

2. Phân loại chất độc:

Chất độc có thể là tự nhiên hoặc chất độc nhân tạo. Các chất độc có nguồn gốc nhân tạo hay gặp trong nhà hoặc nơi làm việc. Hầu hết các chất trong gia đình có thể gây ngộ độc như chất tẩy rửa, thuốc, sữa tắm… Các chất có nguồn gốc tự nhiên như chất độc từ lá cây hoặc nhựa cây có thể gây kích ứng da hoặc dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu nuốt phải. Ngoài ra, nọc của động vật hoặc côn trùng và các loại thực phẩm nhiễm khuẩn cũng là những dạng ngộ độc phổ biến nhất.

3. Sơ cấp cứu khi nuốt phải chất độc:

3.1. Dấu hiệu nhận biết

- Đã uống hoặc nuốt phải hóa chất

- Nôn mửa, đôi khi có máu, sau đó tiêu chảy

- Bụng đau quặn

- Đau hoặc cảm giác bỏng rát

- Có vỏ chai, lọ hoặc vỏ thuốc nghi chứa hóa chất xung quanh

- Ý thức suy giảm

- Co giật

3.2. Mục tiêu sơ cấp cứu

- Duy trì đường thở, hô hấp và tuần hoàn cho nạn nhân

- Cởi bỏ tất cả quần áo nhiễm chất độc

- Xác định chất độc

- Sắp xêp sđưa nạn nhân đến bệnh viện khẩn cấp

3.3. Các bước sơ cấp cứu

- Bước 1: Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, hỏi xem họ đã nuốt phải chất độc nào, nuốt bao nhiêu và nuốt lúc nào. Cố gắng tìm kiếm xung quanh nếu nạn nhân không muốn nói, kiểm tra các loại chai rỗng hoặc vỏ thuốc... Cố gắng trấn an nạn nhân 

- Bước 2: Gọi cấp cứu 115. Cung cấp cho tổng đài cấp cứu càng nhiều thông tin về chất độc càng tốt. Những thông tin này có thể sẽ giúp ích cho nhân viên y tế

- Bước 3: Theo dõi và ghi lại các dấu hiệu về tần số mạch, nhịp thở và nhiệt độ của nạn nhân. Nếu nạn nhân nôn, giữ lại chất nôn để đưa cho nhân viên y tế nếu cần thiết.

3. 4. Chú ý:

- Không cố gắng gây nôn cho nạn nhân

- Nếu nạn nhân dính phải hóa chất, hãy bảo vệ bản thân bằng găng tay cao su hoặc túi nilong sạch

- Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy khai thông đường thở bằng cách ấn trán, nâng cằm. Đưa nạn nhân về tư thế an toàn và chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế

4. Dự phòng

- Để các hóa chất tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ, đặc biệt là những loại hóa chất có màu sặc sỡ.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đã có dấu hiệu nhiễm khuẩn như nấm mốc, thay đổi mùi vị hoặc màu sắc ban đầu.

- Đun lại thực phẩm ngay sau khi sử dụng nếu muốn bảo quản lạnh.

- Sử dụng các loại thuốc theo đơn, không sử dụng thuốc quá liều.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay