Các khóa học đã đăng ký

Trẻ dưới một tuổi bất tỉnh – Cha mẹ cần xử lý thế nào trước khi có sự trợ giúp y tế? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng - Chuyên gia tập huấn Sơ cấp cứu

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Trẻ dưới một tuổi bất tỉnh là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ và người chăm sóc trẻ. Khi rơi vào tình huống này, bạn thường lúng túng, sợ hãi và không biết phải làm thế nào. Ngay lập tức hãy đánh giá tình trạng của trẻ và gọi giúp đỡ. Trong khi chờ sự trợ giúp y tế, nếu thấy trẻ ngừng thở, hãy hà hơi thổi ngạt và ép tim.

1. Bất tỉnh là gì?

Bất tỉnh là trạng thái khi một người đột ngột trở nên không đáp ứng với các kích thích và dường như đang ngủ. Một người có thể bất tỉnh trong vài giây (hay còn gọi là ngất) hay trong một thời gian dài.Người bị bất tỉnh không đáp ứng với tiếng động lớn và lay gọi. Họ thậm chí có thể ngưng thở hay và mất mạch đập.

Trẻ cần được cung cấp oxy vào phổi. Oxy hòa vào máu và tim bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu trẻ bất tỉnh, đường dẫn khí đến phổi (đường thở) có thể bị tắc, khiến oxy không thể đi vào cơ thể. Thiếu oxy sẽ làm chậm nhịp tim, dẫn đến tim ngừng đập hoàn toàn (hay còn gọi là ngừng tim) và không có oxy lên não.

2. Khi trẻ dưới một tuổi bất tỉnh- Bạn có thể làm gì?

Giữ an toàn khi tiếp cận trẻ, bạn không thể giúp trẻ nếu chính bạn trở thành nạn nhân. Khi chắc chắn đã an toàn, bạn cần giữ bình tĩnh và hành động logic. Hãy ghi nhớ các bước sau:

2.1 Kiểm tra phản ứng của trẻ

Để kiểm tra phản ứng của trẻ, bạn hãy thực hiện như sau:

  • Gọi tên trẻ và vỗ nhẹ vào bàn chân trẻ. Lưu ý, không được lay trẻ.

  • Sau khi gọi và vỗ nhẹ vào chân trẻ, nếu thấy trẻ không có phản ứng hãy chuyển ngay sang bước 2.

  • Nếu bạn thấy trẻ có phản ứng trước các kích thích từ bạn, hãy gọi trợ giúp y tế.

2.2 Mở đường thở

Bạn thực hiện mở đường thở cho trẻ bằng cách:

  • Đặt một ngón tay lên trán trẻ, các ngón còn lại giữ đầu trẻ và khẽ ngửa đầu trẻ ra sau.

  • Đặt một ngón tay của tay bên kia vào cằm trẻ và nâng lên.

  • Kiểm tra xem có dị vật trong miệng trẻ hay không. Nếu có, hãy lấy bỏ dị vật trong miệng trẻ. Tuy nhiên, nếu dị vật nằm sâu trong miệng trẻ, đừng cố lấy ra vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn và tăng nguy hiểm cho trẻ.

Lưu ý: Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ khi tiến hành mở đường thở không ấn vào phần mềm của cổ ở dưới cằm vì động tác này có thể chặn đường thở của trẻ.

2.3 Kiểm tra hơi thở

Kỹ thuật này yêu cầu cha mẹ và người chăm sóc trẻ kiểm tra hơi thở của trẻ trong không quá 10 giây. Nếu sau 10 giây không cảm nhận được hơi thở của trẻ, coi như trẻ không thở.

- Bạn kiểm tra hơi thở của trẻ bằng cách nhìn, nghe và cảm nhận hơi thở của trẻ. Từ tư thế mở đường thở ở bước 2, bạn cúi sát một bên má gần miệng và mũi trẻ. Sau đó, bạn nhìn dọc theo lồng ngực xem có chuyển động hay không, nghe tiếng thở hoặc cảm nhận hơi thở bằng má của bạn. Trong lúc đó hãy nhờ người GỌI CỨU THƯƠNG.

- Nếu kiểm tra thấy trẻ còn thở, bạn hãy bế trẻ nghiêng đầu hướng xuống và chờ trợ giúp.

- Nếu trẻ ngừng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (xem chi tiết kỹ thuật Hồi sức tim phổi trong bài viết Sơ cấp cứu cho trẻ dưới một tuổi).

- Tiến hành hồi sức tim phổi cho tới khi có sự trợ giúp y tế.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay