Các khóa học đã đăng ký

TỔNG QUAN VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Hiện nay, đái tháo đường nói riêng hay các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa nói chung là một vấn đề y tế công cộng mang tính chất toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhiều người, nhất là trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tốc độ phát triển của bệnh đái tháo đường tăng nhanh trong những năm qua.

tong-quan-dai-thao-duong-Wellbeing

1. Định nghĩa bệnh Đái tháo đường.

Theo Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), năm 2006, định nghĩa đái tháo đường: “Đái tháo đường type 2 là bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi tăng đường huyết do sự phối hợp giữa kháng insulin và thiếu đáp ứng insulin”.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) năm 2010, định nghĩa đái tháo đường: “Đái tháo đường là nhóm những rối loạn không đồng nhất gồm tăng đường huyết và rối loạn dung nạp glucose do thiếu insulin, do giảm tác dụng của insulin hoặc cả hai. Đái tháo đường type 2 đặc trưng bởi kháng insulin và thiếu tương đối insulin,  một trong hai rối loạn này có thể xuất hiện ở thời điểm có triệu chứng lâm sàng bệnh đái tháo đường”.

Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, “Đái tháo đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng sự tăng đường máu do hậu quả của việc mất hoàn toàn insulin hoặc là do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết hoặc hoạt động của insulin".

2. Phân loại bệnh Đái tháo đường.

  • Đái tháo đường type 1.

Đái tháo đường type 1 chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 10% tổng số bệnh nhân đái tháo đường thế giới. Nguyên nhân do tế bào bê - ta bị phá hủy, gây nên sự thiếu hụt insulin tuyệt đối cho cơ thể (nồng độ insulin giảm thấp hoặc mất hoàn toàn). Các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) chắc chắn có mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của đái tháo đường type 1.

Đái tháo đường type 1 phụ thuộc nhiều vào yếu tố gen và thường được phát hiện trước 40 tuổi. Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên biểu hiện nhiễm toan ceton là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đa số các trường hợp được chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 1 thường là người có thể trạng gầy, tuy nhiên người béo cũng không loại trừ. Người bệnh đái tháo đường type 1 sẽ có đời sống phụ thuộc insulin hoàn toàn.

Có thể có các dưới nhóm:

- Đái tháo đường qua trung gian miễn dịch.

- Đái tháo đường type 1 không rõ nguyên nhân.

  • Đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường type 2 chiếm tỷ lệ khoảng 90% đái tháo đường trên thế giới, thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, do có sự thay đổi nhanh chóng về lối sống, về thói quen ăn uống, đái tháo đường type 2 ở lứa tuổi trẻ đang có xu hướng phát triển nhanh.

Đặc trưng của đái tháo đường type 2 là kháng insulin đi kèm với thiếu hụt tiết insulin tương đối. Đái tháo đường type 2 thường được chẩn đoán rất muộn vì giai đoạn đầu tăng glucose máu tiến triển âm thầm không có triệu chứng. Khi có biểu hiện lâm sàng thường kèm theo các rối loạn khác về chuyển hoá lipid, các biểu hiện bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận…, nhiều khi các biến chứng này đã ở mức độ rất nặng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 từ 80% đến 90% tổng số bệnh nhân bị đái tháo đường và có thể phòng ngừa được nếu từ bỏ hoặc giảm các yếu tố nguy cơ. Do đó, trong khuôn khổ luận án này chỉ đề cập bệnh tiền đái tháo đường - đái tháo đường type 2.

  • Đái tháo đường thai nghén.

Đái đường thai nghén thường gặp ở phụ nữ có thai, có glucose máu tăng, gặp khi có thai lần đầu. Sự tiến triển của đái tháo đường thai nghén sau đẻ theo 3 khả năng: Bị đái tháo đường, giảm dung nạp glucose, bình thường.

  • Một số thể đái tháo đường hiếm gặp.

Nguyên nhân liên quan đến một số bệnh, thuốc, hoá chất.

- Khiếm khuyết chức năng tế bào bê - ta.

- Khiếm khuyết gen hoạt động của insulin.

- Bệnh tụy ngoại tiết: Viêm tụy, chấn thương, carcinom tụy…

- Các bệnh nội tiết: Hội chứng Cushing, cường năng tuyến giáp…

- Thuốc hoặc hóa chất.

- Các thể ít gặp qua trung gian miễn dịch.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay