Các khóa học đã đăng ký

TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - LIỆU BẠN ĐÃ BIẾT? | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Tiền đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, nó có nguy cơ cao phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2. Bệnh cũng rất khó chữa khỏi, nhưng nếu được phát hiện, đó là một cơ hội tốt để có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh đái tháo đường type 2 bằng cách thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể lực. Vậy bạn đã biết đến căn bệnh này chưa? Phòng tránh và chữa trị như nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin căn bản nhất về Tiền đái tháo đường.

tien-dai-thao-duong-Wellbeing

1. Định nghĩa bệnh Tiền đái tháo đường.

Tiền đái tháo đường (TĐTĐ) là tình trạng suy giảm chuyển hóa glucose bao gồm hai tình huống là rối loạn glucose lúc đói (Impaired Fasting Glucose- IFG) và giảm dung nạp glucose (Impaired Glucose Tolerance- IGF)”.

Năm 1979, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nêu khái niệm giảm dung nạp glucose thay cho thuật ngữ “đái tháo đường giới hạn”. Giảm dung nạp glucose được WHO và Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) xem là giai đoạn tự nhiên của rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Năm 1999, rối loạn glucose lúc đói là thuật ngữ mới được giới thiệu. Cả hai trạng thái này đều có tăng glucose máu nhưng chưa đạt tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Năm 2008, tình trạng trên được Hội Đái tháo đường Mỹ có sự đồng thuận của WHO đặt tên chính thức là tiền đái tháo đường (Pre-diabetes).

2. Chẩn đoán bệnh Tiền đái tháo đường.

Năm 2004, ADA đã  đề xuất hạ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn glucose máu lúc đói từ 6,1 mmol/l huyết tương tĩnh mạch xuống 5,6mmol/l huyết tương tĩnh mạch và đưa ra khái niệm “tiền đái tháo đường” pre -diabetes được quy ước gồm giảm dung nạp glucose (IGT) và Rối loạn glcose lúc đói (IFG).

  • Với giảm dung nạp glucose (IGT) ta có thời điểm lấy máu là: Glucose lúc đói và/hoặc glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose. Kết quả kết luận: 5,6  đến nhỏ hơn 7 mmol/l và 7,8 đến nhỏ hơn 11,1 mmol/l.

  • Với rối loạn glucose máu lúc đói (IFG) ta có thời điểm lấy máu cũng là: Glucose lúc đói và/hoặc glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose. Kết quả kết luận: 5,6 đến dưới 7 mmol/l và dưới  7,8 mmol/l.

3. Dấu hiệu của bệnh tiền đái tháo đường.

Điều đặc biệt là Tiền đài tháo đường không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu gì. Chính vì vậy, xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất có thể xác định được bệnh hoặc thử glucose trong máu lúc đói.

Một số trường hợp sẽ có các triệu chứng gần giống với đái tháo đường type 2 nhưng không đủ để bệnh nhân nhận ra như: Đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, khát, có thể thay đổi màu da…

Có một số đối tượng nguy cơ bị tiền đái tháo đường như:

  • Lối sống ít hoạt động.

  • Chỉ số MBI lớn hơn 25kg/m2.

  • Tuổi cao trên 45 tuổi.

  • Có yếu tố gia đình khi người thân mắc đã mắc bệnh đái tháo đường.

  • Phụ nữ mang thai hoặc đã từng sinh em bé nặng trên 4 kg.

  • Phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang, kinh nguyệt không đều, béo phì…

  • Người có chỉ số lipid trong máu cao, rối loạn lipid, tăng huyết áp…

4. Điều trị tiền đái tháo đường.

Phương pháp điều trị đái tháo đường hiệu quả nhất chính là thay đổi lối sống gồm việc thay đổi chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao.

Luyện tập thể lực:

  • Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên có những bài tập mang tính kháng trở lực khoảng 2-3 lần (kéo dây, nâng tạ).

  • Người già, đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày, thí dụ đi bộ sau bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút. Người còn trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Thay đổi lối sống:

  • Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng chuẩn theo BMI.

  • Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…

  • Bổ sung chất đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy giảm chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ).

  • Nên chú trọng dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ trung chuyển (mỡ trans), phát sinh khi ăn thức ăn rán, chiên ngập dầu mỡ.

  • Giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300 mg Natri mỗi ngày.

  • Chất xơ ít nhất 15 gam mỗi ngày.

  • Các yếu tố vi lượng: nên chú ý bổ xung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, thí dụ sắt ở bệnh nhân ăn chay trường. Dùng Metformin lâu ngày có thể gây thiếu sinh tố B12, nên chú ý đến tình trạng này nếu bệnh nhân có thiếu máu hoặc triệu chứng bệnh lý thần kinh ngoại

  • Uống rượu điều độ: một lon bia (330 ml)/ngày, rượu vang đỏ khoảng 150-200ml/ngày.

  • Ngưng hút thuốc.

  • Các chất tạo vị ngọt cần hạn chế đến mức tối thiểu.

5. Phát hiện bệnh. 

Có khoảng trên 50% đối tượng bị tiền đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong vòng 5 đến 10 năm. Vì thế, bên cạnh thay đổi lối sống, chúng ta cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tầm soát phát hiện bệnh sớm.

Việc phát hiện sớm Tiền đái tháo đường rất quan trọng vì sẽ giúp cho các bác sĩ có hướng điều trị hiệu quả cho Đái tháo đường type 2. Chính vì vậy, việc khám bệnh thường xuyên cùng xây dựng lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta dự phòng tốt bệnh Tiền đái tháo đường và Đái tháo đường type 2.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay