Các khóa học đã đăng ký

THOÁI HOÁ KHỚP - NỖI LO CỦA NGƯỜI CAO TUỔI | WELLLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Thoái hóa khớp là một bệnh mãn tính, hậu quả của quá trình biến đổi cơ học, và sinh học và mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi.

thoai-hoa-khop-Wellbeing

Năm 2010, ở Mỹ có trên 27 triệu người mắc bệnh thoái hóa khớp trong khi con số này ở Anh là trên 8 triệu người [1]. Ở Việt Nam, tỷ lệ thoái hóa khớp trong cộng đồng gặp ở 0,14% dân số và là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh thấp khớp [2]. Do tỷ lệ mắc bệnh cao, thời gian điều trị kéo dài, chi phí tốn kém, điều trị thoái hóa khớp là gắng nặng cho các nhân bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội.

1. Thoái thoá khớp là bệnh gì?

Thoái hoá khớp (THK) là tổn thương thoái hóa tiến triển chậm, tăng dần của sụn khớp, gây ra bởi sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố gen, chuyển hóa, sinh hóa và cơ sinh học kèm theo các quá trình viêm xảy ra thứ phát. Quá trình thoái hóa tác động đến cả sụn, xương và màng hoạt dịch khớp trong đó tế bào sụn khớp là tế bào quan trọng nhất đáp ứng với sự thay đổi trong quá trình THK  [3] [4]. Đặc trưng của bệnh là quá trình mất sụn khớp dần dần.

2. Phân loại Thoái hoá khớp.

Gồm 2 loại: THK nguyên phát: thường gặp ở người có tuổi, không tìm thấy nguyên nhân. THK thứ phát: tìm thấy nguyên nhân, thường sau chấn thương, bệnh chuyển hoá, hoặc viêm khớp.

Thoái hóa khớp gối thứ phát hay gặp các nguyên nhân sau: sau chấn thương: gẫy xương vùng chi dưới, can lệch, đứt dây chằng khớp gối; bất thường trục khớp bẩm sinh: biến dạng trục chân cong ra hoặc cong vào; sau bệnh hoạt tử xương hoặc viêm xương sụn vô khuẩn vùng khớp gối; bệnh nội tiết, chuyển hóa: lắng đọng can xi sụn khớp, nhiễm sắt, đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp, gút; sau một số bệnh lý viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gối nhiễm khuẩn, lao khớp gối; bệnh máu như Hemophilie gây chảy máu kéo dài trong ổ khớp; bệnh khớp do thần kinh

3. Biểu hiện của bệnh.

Một số triệu chứng điển hình của thoái hoá khớp:

  • Đau khớp gối kiểu cơ học: tăng khi vận động và đỡ  đau khi  nghỉ ngơi.

  • Hạn chế vận động khớp: đi lại khó khăn, đặc biệt khi ngồi xổm, leo cầu thang.

  • Dấu hiệu "phá rỉ khớp": Là dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài từ 15-30 phút. Cứng khớp sau khi nghỉ ngơi cũng thường gặp, bệnh nhân phải vận động một lúc mới trở lại bình thường.

thoai-hoa-khop-Wellbeing

Triệu chứng cứng khớp buổi sáng là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh. Sau khi không vận động khớp trong 1 thời gian dài như sau khi ngủ, nghỉ ngơi... bệnh nhân gặp phải tình trạng khó vận động ở các khớp. Đặc biệt là khớp của bàn tay, bàn chân... Những trường hợp này, bệnh nhân rất khó vận động, họ cần phải vận động một lúc trước để "khởi động" khớp, sau đó 15-30 phút mới có thể vận động bình thường.

Một số triệu chứng tại khớp:

  • Có thể sờ thấy các “ụ xương” ở quanh khớp gối. Ụ xương chính là các gai xương trên phim X-Quang

  • Có thể sưng ở khớp: Do tràn dịch hay chồi xương.

  • Có thể thấy nóng tại khớp.

  • Tiếng lục khục khớp: các diện khớp cọ vào nhau khi cử động khớp gây ra tiếng lạo xạo, lục khục nghe thấy được hoặc cảm nhận được khi vận đông.

  • Khi cử động xương bánh chè khớp gối gây cọ sát các diện khớp với nhau có thể cảm thấy tiếng lạo xạo, đôi khi có thể nghe được.

Thoái hoá khớp là một trong những bệnh điển hình của người cao tuổi và dần dần trẻ hoá. Chúng ta cần phải nhận biết sớm các triệu chứng này để có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Tài liệu tham khảo:

1. Fransen M và các cộng sự. (2011), "The epidemiology of osteoarthritis in Asia", Int J Rheum Dis. 14 (2), tr. 113-121.

2. Trần Thị Minh Hoa và các cộng sự. (2003), "Prevalence of the Rheumatic Diseases in Urban Vietnam: A WHO-ILAR COPCORD Study", The Journal of Rheumatology. Volume 30, no. 10, tr. 2252-2256.

3. Kalunian K.C and S. Ritter (2014), "Pathogenesis of osteoarthritis. Uptodate, Literature review current through: Oct 2014"

4. Man G and G. Mologhianu (2014), "Osteoarthritis pathogenesis - a complex process that involves the entire joint", J Med Life. 7(1), tr. 37-41.

Xem thêm:

- Điều trị bệnh thoái hoá khớp - Dễ hay khó?

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay