Các khóa học đã đăng ký

Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân là những dấu hiệu cho thấy nạn nhân đó còn sống hay không. Với một nạn nhân ở ngoài hiện trường, dấu hiệu sống bao gồm sự tỉnh táo, nhịp thở, tần số mạch và nhiệt độ cơ thể. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn và gửi lại cho nhân viên y tế sẽ giúp nạn nhân có cơ hội được phục hồi nhanh hơn.

1. Dấu hiệu sinh tồn là gì?

Dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân là những dấu hiệu cho thấy nạn nhân còn sống hay không. Với một nạn nhân ở ngoài hiện trường, dấu hiệu sống bao gồm sự tỉnh táo, nhịp thở và tần số mạch. Những thông tin này có thể giúp bạn xác định các vấn đề và cho thấy những thay đổi trong tình trạng của nạn nhân. Bạn nên theo dõi đều đặn nhiều lần, ghi lại những đánh giá và giao cho nhân viên y tế.

Đánh giá nhanh chóng dấu hiệu sinh tồn sẽ giúp người cứu nạn đưa ra được những xử trí kịp thời. Chẳng hạn như đối với một nạn nhân không còn sự tỉnh táo, không đếm được nhịp thở và không bắt được mạch thì nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Nếu một nạn nhân không tỉnh táo nhưng còn thở thì chúng ta sẽ đưa nạn nhân về tư thế phục hồi.

2. Những dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân

Trong bài viết này sẽ giới thiệu những dấu hiệu sinh tồn có thể phát hiện ngay lập tức ở hiện trường đó là sự tỉnh táo, nhịp thở và tần số mạch. Một số dấu hiệu sinh tồn khác có thể đánh giá khi đầy đủ dụng cụ bao gồm huyết áp và nhiệt độ cơ thể.

2.1. Sự tỉnh táo của nạn nhân

Bạn cần đánh giá và theo dõi mức độ tỉnh táo của nạn nhân, đồng thời ghi lại mọi thay đổi về tình trạng (xấu đi hay cải thiện) của nạn nhân khi chăm sóc họ. Bất kì tổn thương hoặc bệnh lý nào ảnh hưởng tới não đều có thể làm thay đổi khả năng phản ứng của nạn nhân và làm giảm đi sự tỉnh táo.

Chúng ta có thể đánh giá sự tỉnh táo của nạn nhân bằng cách theo dõi xem nạn nhân có phản ứng với các kích thích như lời nói, động chạm hay bị bấm vào dái tai không. Nếu có thì chúng ta đánh giá rằng nạn nhân vẫn còn tỉnh táo. Nạn nhân được coi là không tỉnh táo khi không phản ứng lại với bất kỳ kích thích nào từ bên ngoài.

2.2. Nhịp thở

Khi đánh giá tình trạng hô hấp của nạn nhân, hãy kiểm tra tần số thở và lắn nghe khi nạn nhân thở có khó khăn nào hoặc gây ra âm thanh bất thường nào không?

Nhịp thở bình thường của người lớn là 16 – 20 lần/phút. Ở trẻ bú mẹ (dưới 6 tháng) thì nhịp thở là 35 – 40 lần/phút. Từ 1 tháng đến 6 tuổi thì nhịp thở trung bình từ 20 – 30 lần/phút.

Để kiểm tra nhịp thở của nạn nhân, hãy đặt tai của mình vào mũi và miệng của nạn nhân. Cảm nhận hơi thở của nạn nhân khi thở vào tai bạn. Mắt hướng về phía lồng ngực của nạn nhân, nhìn các chuyển động của lồng ngực hoặc bụng khi nạn nhân thở. Mỗi lần lồng ngực hoặc bụng di chuyển lên xuống được tính là một nhịp thở. Ghi lại những thông tin sau:

- Nhịp thở: Số nhịp thở trong một phút

- Biên độ: Nhịp thở nông hay sâu

- Độ thoải mái: Hít thở dễ dàng, khó khăn hay đau

- Tiếng thở: tiếng thở êm dịu, có tiếng bất thường hay không

2.3 Mạch đập

Mỗi nhịp tim tạo ra một áp lực khi máu được bơm dọc theo các động mạch. Ở những vị trí mạch máu nằm gần da, chúng ta có thể cảm nhận được áp lục này, chẳng hạn như là mặt trong cổ tay, cánh tay hoặc cổ.

Mạch bình thường của người lớn là 60 – 80 lần/phút. Mạch của trẻ em nhanh hơn và của người luyện tập thể thao thì chậm hơn. Kiểm tra mạch bằng cách đặt hai hoặc ba đầu ngón tay lên các vị trí sau: mặt trong của cánh tay (động mạch nách), mặt trong của cổ tay – nếp lằn cổ tay dưới ngón cái (động mạch quay) và ở bên cạnh đường thở (động mạch cảnh)

Kiểm tra mạch và ghi lại những thông tin:

- Tần số: số nhịp trong vòng một phút

- Cường độ: mạnh hay yếu

- Nhịp điệu: đều hay không đều

3. Lưu ý

Ở ngoài hiện trường, chúng ta đánh giá dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân trong tối đa là 10 giây cho mỗi dấu hiệu. Nếu trong 10 giây không phát hiện được dấu hiệu sinh tồn, hãy coi như không còn dấu hiệu đó.

Nhanh chóng kiểm tra dấu hiệu sinh tồn để đưa ra những xử trí tiếp theo cho nạn nhân và giúp nhân viên y tế có những chuẩn bị tốt nhất khi cấp cứu nạn nhân.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay