Sơ cấp cứu nạn nhân tổn thương ngực – Những điều nên làm với nạn nhân| Wellbeing
Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Tổn thương ngực là một trong những chấn thương nặng, nguyên nhân hầu hết do chấn thương trực tiếp hoặc vết thương đâm xuyên, trong tổn thương ngực tử vong cao nhất là các trường hợp tổn thương tràn khí dưới áp lực, tổn thương mạch máu lớn, tổn thương tim nên việc phát hiện và xử trí cần khẩn trương.
1.Giải phẫu ngực
Trong ngực có chứa các tạng quan trọng như tim, phổi, các mạch máu lớn.
Mọi tổn thương bên trong đều nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.
2.Biểu hiện của nạn nhân chấn thương ngực
Một nạn nhân tổn thương ngực, thông thường sé có một số các dấu hiệu sau đây:
- Có vết thương vùng ngực. Khi thở ho thấy máu và khí trào ra qua vết thương
- Có tràn khí dưới da cổ, ngực. Khi sờ thấy có hơi lép bép dưới da.
- Nạn nhân khó thở, nhịp thở nhanh, hoặc đứt quãng phải ngồi dậy để thở
- Nạn nhân có gãy xương sườn, xương đòn, xương ức. Khi thở đau hoặc có hiện tượng khi thở ra ngực phồng, hít vào ngực xẹp khác với hiện tượng hô hấp bình thường.
- Có tụ máu ấn đau vùng ngực.
3.Phân loại tổn thương ngực
Tổn thương ngực bao gồm hai loại: chấn thương ngực kín và vết thương ngực. Việc xác định được loại tổn thương của nạn nhân, sẽ giúp người sơ cấp cứu có những cách xử trí phù hợp và hỗ trợ cao nhất đối với bệnh nhân.
Chấn thương ngực kín là những chấn thương gây tổn thương ở thành ngực hoặc các cơ quan trong lồng ngực nhưng không làm mất sự liên tục của tổ chức da bao quanh lồng ngực.
Vết thương ngực là những tổn thương làm mất sự liên tục của tổ chức da bao quanh lồng ngực.
Trong chấn thương ngực kín và vết thương ngực lại có sự phân loại khác nhau
3.1. Phân loại chấn thương ngực kín
3.1.1.Phân lại theo nguyên nhân
- Chấn thương ngực kín do va đập trực tiếp.
- Chấn thương ngực kín do đè ép: Ngực bị ép giữa hai lực.Hai loại này thường do bị đánh, tại nạn giao thông, tại nạn lao động hoặc tại nạn sinh hoạt.
- Chấn thương ngực do sóng nổ.
3.1.2.Phân loại theo mức độ tổn thương
- Chấn thương ngực kín không có tổn thương các cơ quan trong lồng ngực.
- Chấn thương ngực kín có tổn thương các cơ quan trong lồng ngực.
Cả hai loại đều có thể kèm theo gẫy xương.
3.2.Phân loại vết thương ngực
3.2.1.Phân loại theo tác nhân gây vết thương
- Vết thương ngực do hoả khí: Do đạn thẳng, mảnh pháo…
- Vết thương ngực không do hoả khí: Do vật nhọn đâm…
3.2.2.Theo mức độ nông, sâu và các tạng bị tổn thương
- Vết thương thành ngực: Không làm thủng lá thành màng phổi.
- Vết thương thấu ngực: Làm thủng lá thành màng phổi.
3.2.3. Theo tình trạng tràn khí của khoang màng phổi
- Vết thương tràn khí màng phổi kín (vết thương ngực kín ).
- Vết thương tràn khí màng phổi mở (vết thương ngực mở ).
- Vết thương tràn khí màng phổi van (vết thương ngực van).
4.Những điều nên làm đối với nạn nhân tổn thương ngực
4.1.Trợ giúp nạn nhân
Xử trí ban đầu
-Để nạn nhân nằm thoải mái ở nơi thoáng mát, rộng rãi
-Nếu nạn nhân không nằm được do khó thở, đặt tư thế nạn nhân thoải mái nhất, ví dụ tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
-Nới lỏng quần áo, bỏ thắt lưng, cravate ..
-Nằm nghiêng an toàn nếu bệnh nhân nôn hoặc có xu hướng nôn. Nên cho nằm nghiêng trái
-Thực hiện các quy trình DRSCAB và xử trí nếu cần thiết
- Nếu có sốc nên để đầu thấp, chân cao, ủ ấm tạm thời nạn nhân.
Theo dõi tuần hoàn, hô hấp
-Nếu nạn nhân có ngừng thở, ngừng tim cần hô hấp nhân tạo, hồi sức tim phổi ngay lập tức với sự trợ giúp của người đi cùng.
-Xử trí sốc : nằm đầu thấp, chân cao, ủ ấm nếu nạn nhân còn nằm được
Kiểm soát chảy máu bên ngoài :
-Đặt miếng vải sạch nếu có gạc vô trùng càng tốt, dùng tay ép trực tiếp lên đó và luôn nhớ không được bỏ tay ra. Cũng không nên thay gạc khác khi thấy máu chảy ra ướt mà dùng miếng gạc khác khô dày đặt lên trên và tiếp tục ép vết thương.
Nạn nhân có vết thương hở
-Che kín vết thương, dùng miếng gạc lớn hoặc quần áo sạch băng lên vết thương.
-Nếu bệnh nhân có khó thở sau băng kín cần bỏ ngay gạc băng ép hoặc chỉ băng ép nhẹ cho khí thoát ra.
Nạn nhân có vết thương đâm xuyên
-Để nguyên và không lấy ra. Cứ thế chuyển nạn nhân đến bệnh viện để xử trí.
Nạn nhân tràn khí màng phổi dưới áp lực
-Là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu không xử trí nhanh nạn nhân có thể tử vong do khí tràn liên tục vào khoang ngực gây chèn ép trung thất, dẫn đến chèn ép tim và nạn nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
-Biểu hiện có khó thở tăng dần, tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, vã mồ hôi.
-Ngực bên tràn khí cao hơn hẳn bên đối diện, gõ vang, nghe phổi mất tiếng rì rào phế nang hoặc không nghe thấy gì.
-Nhanh chóng dùng kim tiêm loại lớn G18( như hình trên) chọc vào khoang liên sườn 2, đường giữa đòn cho khí thoát ra ngoài và giữ liên tục cho đến khi nạn nhân ổn định hoặc có nhân viên y tế đến cứu trợ (Lưu ý : Thủ thuật này chỉ làm khi đã được tập huấn)
Tư thế nạn nhân
Thường để tư thế thoải mái nếu nạn nhân cảm thấy dễ thở. Lý tưởng nhất là tư
thế nửa nằm, nửa ngồi hoặc nằm đầu cao.
4.2.Gọi hỗ trợ y tế.
Gọi hỗ trợ cấp cứu y tế : 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất
Lưu ý khi gọi hỗ trợ y tế:
-Khi gọi hỗ trợ cấp cứu nên cung cấp thông tin y tế đầy đủ về nạn nhân, tình trạng vết thương để được tư vấn xử trí và chuẩn bị đồ, nhân viên phù hợp cho việc cấp cứu.
-Lưu ý thông báo nếu bệnh nhân sốc, nghi ngờ tràn khí màng phổi dưới áp lực,
vết thương đâm xuyên.
Trên đây là những kiến thức liên quan đến nạn nhân chấn thương ngực và những điều nên làm đối với nạn nhân khi tiến hành sơ cấp cứu. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích và thiết thực.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm:
DRSCAB - Nguyên tắc sơ cấp cứu bạn bắt buộc phải nhớ
Sốc phản vệ và những kiến thức bạn cần biết (phần 1)
Bạn đã từng bị sốc chưa (phần 1)
Sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống – Hãy nhớ các nguyên tắc sau đây! ( Phần 1)