LOÃNG XƯƠNG CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ NÀO ĐẾN CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY? | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.
Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing
Loãng xương ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của con người, nó gây ra nhiều khó khăn và phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và làm cho người bệnh có cảm giác bản thân mình già hơn, yếu hơn, và khi gãy cổ xương đùi thì thực sự biến vấn đề này trở nên vô cùng trầm trọng. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về những ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh khi bị loãng xương.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự phát triển vượt bậc của ngành y tế từng bước đẩy lùi bệnh tật khiến cho tuổi thọ con người ngày càng cao nói chung và của bệnh nhân loãng xương nói riêng. Họ được quan tâm đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực như sức khỏe, tinh thần và cả xã hội. Điều này đòi hỏi thực tế là bệnh nhân cần phải tiếp tục cuộc sống của họ với sự thỏa mãn về chất lượng cuộc sống. Hầu hết các khái niệm về chất lượng cuộc sống nhấn mạnh tác động của bệnh đối với thể chất, tinh thần, cảm xúc, quan hệ xã hội và chức năng nhận thức của người cao tuổi. Chất lượng cuộc sống có tầm quan trọng đối với bệnh nhân cao tuổi loãng xương, đánh giá chất lượng cuộc sống đã trở thành một biện pháp đánh giá hiệu quả của công tác điều trị người bệnh.
Quá trình loãng xương diễn ra trong thời gian khá dài với tình trạng mất chất xương bắt đầu từ tuổi 30 và từ 50 tuổi trở đi thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Tình trạng này sẽ tăng lên khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và thường giảm đau khi nằm nghỉ. Thường thì đau âm ỉ, nhưng đôi khi cũng xuất hiện những cơn cấp tính làm cho người bệnh hoang mang và lo sợ. Sau nhiều năm tiến triển có thể gây ra biến dạng cột sống như còng, vẹo cột sống. Hiện tượng lún và xẹp cột sống lưng, thắt lưng làm chiều cao giảm dần theo tuổi nghĩa là thấp đi có thể đến 10 cm hoặc giảm đến khi xương sườn thấp nhất chạm vào mào chậu thì dừng lại. Loãng xương ở tay và chân ít gây đau, nếu có đau thì thường do các nguyên nhân khác. Nhưng tình trạng này có thể gây ra mối nguy hiểm khác là dễ bị gãy xương đùi đoạn liên mấu chuyển, gãy đầu dưới xương cẳng tay hay gọi là gãy Pouteau-Colles khi ngã, hay thậm chí chỉ là cử động sai lệch như chống tay hay xoay chân mạnh.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng tuổi tác có mối liên quan đến sự suy giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nói chung và của người bệnh loãng xương nói riêng. Sự suy giảm thể chất có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động nhận thức và năng lực sống hàng ngày. Sự lão hóa các cơ quan của người cao tuổi cũng dẫn đến một mức độ suy giảm khả năng nhận thức nhất định, thường bao gồm các triệu chứng như quên, giảm khả năng duy trì tập trung, giảm khả năng giải quyết vấn đề. Nếu không được kiểm soát, các triệu chứng đôi khi tiến triển thành những tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chứng mất trí và trầm cảm, hoặc thậm chí là bệnh Alzheimer.
Nhận thức đầy đủ là rất quan trọng cho hoạt động cá nhân và duy trì cuộc sống độc lập ở người cao tuổi đặc biệt khi các đối tượng trên không có khả năng sống một cuộc sống độc lập, các tương tác xã hội của bệnh nhân cũng bị suy yếu.
Tóm lại loãng xương là bệnh khá phổ biến và diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, khó nhận biết sớm và để lại nhiều hậu quả khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị bệnh loãng xương thường khó khăn, tốn kém và hiệu quả đôi khi không rõ ràng, đòi hỏi người bệnh phải có sự kiên trì, tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của thầy thuốc.Vì thế công tác dự phòng và phát hiện sớm tình trạng loãng xương trở nên vô cùng quan trọng, vừa giúp mọi người tránh được tác hại nguy hiểm của bệnh loãng xương, vừa giúp tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm: