Các khóa học đã đăng ký

Làm thế nào để cơ thể tự cân bằng nước? | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Sự cân bằng nước của cơ thể phụ thuộc vào việc cân bằng giữa lượng nước nhận vào và lượng thải ra. Sự cân bằng này phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng, chế độ ăn, môi trường sống (nóng, lạnh, độ ẩm…) và điều kiện lao động. 

1. Khối lượng nước cơ thể nhận vào và thải ra bao nhiêu?

Lượng nước nhận vào và thải ra có thể dao động từ 1,6 đến 3,5 lít. Tuy nhiên chúng luôn phải cân bằng nhau để không gây ra các rối loạn như ứ nước hoặc mất nước. Lượng nước cơ thể chúng ta nhận vào chủ yếu từ thức ăn và nước uống. Ngoài ra, còn khoảng 0,3 lít nước được sinh ra từ quá trình chuyển hóa các chất như đường, mỡ, đạm trong cơ thể. Thông thường thì một người trưởng thành sẽ nhận vào khoảng 2 – 2,5 lít nước hàng ngày.

Lượng nước hàng ngày được cơ thể thải ra sẽ tương ứng với lượng nước nhập vào. Cơ thể sẽ đào thải nước qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu và phân. Qua hơi thở, lượng nước được đào thải hàng ngày là khoảng 0,5 lít (dao động từ 0,4 đến 0,7 lít). Đây cũng là một trong những phương pháp thải nhiệt của cơ thể. Đào thải nước qua mồ hôi đặc biệt quan trọng ở xứ nhiệt đới, vì nó đi kèm với việc đào thải nhiệt. Lượng nước đào thải qua mồ hôi sẽ từ 0,2 đến 1 lít, tùy vào điều kiện thời tiết và chế độ lao động, trung bình là 0,5 lít. Bên cạnh việc đào thải qua hơi thở và mồ hôi, nước còn được đào thải qua nước tiểu. Nước tiểu chủ yếu đào thải muối và các chất cặn bã , lượng nước tiểu trung bình là khoảng 1,4 lít (dao động từ 0,8 đến 1,5 lít). Cuối cùng là đào thải nước qua phân, lượng nước này là không đáng kể (chỉ khoảng 0,1 lít/ngày). Tuy nhiên, nó sẽ có ý nghĩa khi cơ thể có bệnh lý về đường tiêu hóa như ỉa chảy.

2. Cơ thể tự cân bằng nước như thế nào? 

Thông qua cảm giác khát và các hormone, cơ thể sẽ điều chỉnh được lượng nước nhận vào và thải ra.

Trung tâm của cảm giác khát nằm ở trong não, ngay dưới vùng dưới đồi. Trên thực nghiệm, khi kích thích trung tâm này thì vật thí nghiệm sẽ uống nước đến “ngộ độc”, còn nếu hủy trung tâm này thì sẽ làm cho con vật từ chối uống nước và chết vì khát. Khi thiếu nước hoặc thừa muối, cơ thể sẽ tìm cách để nhận vào lượng nước đến khi áp lực thẩm thấu trở về bình thường.

Hai hormone có vai trò lớn duy trì khối lượng nước trong cơ thể là ADH và aldosterone. ADH được tiết ra ở thùy sau tuyến yên, hormone này ảnh hưởng đến việc đào thải nước ở thận. Nếu tuyến yên không bài tiết ADH, cơ thể sẻ thải 25 lít nước tiểu mỗi ngày, còn nếu tiết tối đa thì thận hỉ bài tiết 0,3 đến 0,5 lít/ngày. Hormon aldosterone được sản xuất ở vỏ thượng thận, nó có tác dụng cân bằng quá trình đào thải ion Natri và Kali. Khi thay đổi lượng Na và K đào thải ra ngoài thì cũng làm thay đổi lượng nước được đào thải. Các tác nhân làm thay đổi lượng hormone aldosterone là tình trạng giảm khối lượng nước ngoài tế bào, giảm Natri ở ngoại bào và tăng tiết của hệ renin-angiotensin. Do đó, aldosterone vừa duy trì khối lượng nước và vừa duy trì huyết áp trong cơ thể.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay