Liệu cảm giác đau có thể khiến chúng ta tử vong? | Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Đau do chấn thương là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu kéo dài cảm giác đau có thể dẫn đến tình trạng sốc chấn thương. Ban đầu cơ thể sẽ có những thay đổi để đáp ứng với tình trạng sốc, sau đó dần suy kiệt và cuối cùng là tử vong.
1. Sốc do đau là gì?
Sốc do đau hay còn được gọi là sốc chấn thương gây ra bởi các chấn thương dập nát rộng. Những yếu tố chủ đạo trong bệnh sinh là đau đớn, ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi khác như dập nát rộng kết hợp với mất máu, mệt mỏi, hoảng hốt, cơ thể suy kiệt và yếu tố liên quan đến thời tiết (nóng, lạnh, độ ẩm cao…).
Khác với các loại sốc khác, thường xuất hiện sớm các triệu chứng mạch nhanh và huyết áp tụt, thì sốc chấn thương có giai đoạn “cường” xuất hiện sớm và sau đó chuyển dần sang giai đoạn “nhược”. Biểu hiện của giai đoạn “nhược” giống với các sốc khác, cuối cùng là suy giảm hoàn toàn các chức năng sống.
2. Cơ chế của sốc do đau (sốc chấn thương)
Khi cơ thể gặp phải chấn thương (có thể dẫn tới mất máu), phản ứng bảo vệ đầu tiên xuất hiện là kích thích hệ thần kinh giao cảm. Khi hệ thần kinh giao cảm kích thích, tạo nên giai đoạn sốc “cường”. Đây là hệ thần kinh chi phối việc co mạch máu, tăng nhịp đập của tim. Các mạch máu ngoại vi co nhỏ lại để đảm bảo đủ lượng máu cung cấp cho các tổ chức quan trọng trong cơ thể như tim, não. Kết hợp với việc tăng nhịp đập của tim sẽ gây ra hiện tượng tăng huyết áp từ đó duy trì chức năng sống cơ bản. Tuy nhiên, cơ chế này cũng gây ra tình trạng thiếu oxy ở tổ chức do các mao mạch ngoại vi bị co thắt.
Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng thiếu oxy ở tổ chức xảy ra càng nặng nế. Quá trình chuyển hóa chất ở tổ chức diễn ra dở dang, tạo thành các sản phẩm như axit lactic, histamin… làm toan hóa máu (máu nhiễm axit) gây nhiễm độc cơ thể, dẫn tới các mao mạch bị liệt và giãn ra. Mạch máu giãn làm huyết áp tụt, sốc chuyển sang giai đoạn “nhược”. Mạch máu bị giãn còn gây ứ đọng, dẫn tới đông máu rải rác trong lòng mạch gây tắc nghẽn tuần hoàn.
Do cơ chế như vậy, nếu chúng ta nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế trong thời gian sớm - giai đoạn sốc “cường” thì khả năng phục hồi của nạn nhân sẽ cao hơn. Điều trị sẽ khó khăn hơn nếu nạn nhân rơi vào trạng thái sốc nhược.
3. Biểu hiện của sốc do đau
3.1 Giai đoạn sốc “cường”
Nạn nhân tỉnh táo, kích thích vật vã và thường xuyên kêu đau. Kiểm tra mạch có thể thấy tần số bình thường hoặc nhanh. Nhịp thở lúc này có thể dao động từ 20 – 30 lần/phút. Thân nhiệt có thể bình thường, hoặc tăng.
3.2 Giai đoạn sốc “nhược”
Trạng thái suy giảm toàn bộ chức năng sống, nếu không được can thiệp kịp thời nạn nhân sẽ tử vong. Nạn nhân mất ý thức, hệ thần kinh trung ương bị ức chế. Kiểm tra mạch thấy mạch nhanh lớn hơn 100 lần/phút, mạch có thể khó bắt. Nhịp thở nhanh, nông từ 30 – 40 lần/phút. Da, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi.
Thời gian trong việc sơ cấp cứu nạn nhân là vàng, hãy nhanh chóng xử trí tình huống giúp nạn nhân giảm đau và trấn an nạn nhân.