Các khóa học đã đăng ký

HỘI CHỨNG “TRÁI TIM TAN VỠ” LÀ CÓ THẬT?

Bạn có từng nghe về “hội chứng trái tim tan vỡ”? Đây có phải khi chúng ta thất tình? Cùng bác sĩ Wellbeing tìm hiểu về hội chứng đặc biệt này nhé.

Bản "hận ca" bất hủ "Ai làm tan vỡ trái tim tôi!" vẫn thường vang lên sau những cuộc tình không thành. Những tưởng như câu nói này chỉ nhằm diễn tả nỗi khổ đau, tổn thương khi chúng ta “7 tình”. Nhưng bạn có biết nó còn là một hội chứng trong y khoa với tên gọi hội chứng “trái tim tan vỡ”. Vậy hội chứng này là gì? biểu hiện của nó như thế nào? Và liệu nó có để lại hậu quả gì nghiêm trọng không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Hội chứng trái tim tan vỡ là một tình trạng tạm thời của trái tim, thường diễn ra khi đối mặt với tình huống căng thẳng và cảm xúc cực độ. Tình trạng này cũng có thể gặp do bệnh lý nội khoa nặng hay trải qua một cuộc phẫu thuật. Tình trạng này còn có nhiều tên gọi khác như bệnh cơ tim căng thẳng, bệnh cơ tim Takotsubo.

Những người gặp hội chứng trái tim tan vỡ thường gặp tình trạng đau thắt ngực hoặc cảm thấy như đang trải qua một cơn đau tim. Hội chứng trái tim tan vỡ chỉ tác động cách đột ngột lên một phần của trái tim, làm rối loạn tạm thời chức năng co bóp bình thường của trái tim. Phần còn lại của trái tim vẫn tiếp tục hoạt động cách bình thường hoặc thậm chí có thể tăng hoạt động để bù lại.

Hội chứng trái tim tan vỡ khác với cơn đau tim như thế nào?

Các cơn đau tim thường do tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn của động mạch tim. Sự tắc nghẽn này là do cục máu đông hình thành tại vị trí thu hẹp bởi tích tụ mỡ (xơ vữa động mạch) trong thành động mạch. Ngược lại, đối với hội chứng trái tim tan vỡ, các động mạch tim không bị tắc nghẽn, mặc dù lưu lượng máu trong động mạch của tim có thể bị giảm.

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng trái tim tan vỡ?

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng trái tim tan vỡ không rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng gia tăng các kích thích tố căng thẳng như adrenaline, có thể tạm thời làm tổn thương tim của một số người. Tình trạng co thắt tạm thời các động mạch lớn hay nhỏ của tim cũng góp phần gây ra vấn đề này.

Hội chứng trái tim tan vỡ thường xảy ra sau sự cố về thể chất hoặc cảm xúc mãnh liệt. Một số tác nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ là:

- Tin tức về cái chết bất ngờ của một người thân

- Chẩn đoán về một bệnh hiểm nghèo

- Bị lạm dụng

- Mất hoặc thắng rất nhiều tiền

- Tranh cãi gay gắt

- Một bữa tiệc bất ngờ

- Trình diễn trước công chúng

- Mất việc

- Ly hôn

- Căng thẳng thể chất như cơn hen suyễn, tai nạn xe hơi hoặc phẫu thuật lớn.

Một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng trái tim tan vỡ (hiếm gặp) do làm gia tăng các kích thích tố căng thẳng, bao gồm:

- Epinephrine (EpiPen, EpiPen Jr.), được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng nặng hoặc cơn suyễn nặng.

- Duloxetine (cymbalta), một loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về thần kinh ở những người bị tiểu đường hoặc điều trị trầm cảm.

- Venlafaxine (Effexor XR) điều trị trầm cảm.

- Levothyroxine (synthroid, levoxyl), một loại thuốc được kê toa cho những người có tuyến giáp không hoạt động đúng cách.

Các triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau một kích thích căng thẳng, và tương tự như các cơn đau tim. Cần phải đến cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng bao gồm:

- Đau thắt ngực (đau ngực đột ngột, dữ dội): phần lớn bệnh nhân nhập viện có đau ngực (70% - 90%)

- Hụt hơi

- Chứng loạn nhịp tim (nhịp đập không đều của tim)

- Sốc tim (tim không có khả năng bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tác động của hormone gây choáng váng các tế bào của tim, gây rối loạn chức năng, nhưng tác động này thường không kéo dài, thường vài ngày đến vài tuần.

- Ngất xỉu

- Huyết áp

- Suy tim

Mặc dù hội chứng trái tim tan vỡ đôi khi có thể gây tử vong, hầu hết mọi người đều hồi phục trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt để có một trái tim khoẻ mạnh bạn nhé!

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay