Các khóa học đã đăng ký

Hiểu biết chung về một số rối loạn ở đường tiêu hóa (phần 1)| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp là viêm dạ dày, loét dạ dày, táo bón, ỉa chảy… Những rối loạn này gây ảnh hưởng đến chúng ta ở những mức độ từ vừa cho đến nặng. Một số rối loạn sẽ gặp ở lứa tuổi nhỏ và một số sẽ gặp ở những người cao tuổi.

1. Viêm niêm mạc dạ dày là rối loạn gì?

Đây là rối loạn hay gặp ở người lớn tuổi. Nếu như viêm chỉ ở trên bề mặt của dạ dày thì không mấy nguy hiểm, tuy nhiên nếu viêm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc thì có thể gây tổn thương vĩnh viên cho dạ dày. Tổn thương này chính là teo dạ dày. Viêm dạ dày đối với hầu hết mọi người đều không nghiêm trọng và có thể cải thiện nhanh chóng khi được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân chủ yếu của viêm dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), đây là một vi khuẩn có thể tồn tại trong điều kiện acid dạ dày. Vi khuẩn này có thể tiết ra enzym giúp trung hòa nồng độ acid và nó có thể sinh sống, phát triển bình thường ở lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Ngoài vi khuẩn HP, một số chất cũng có thể gây viêm dạ dày đó là rượu và thuốc aspirin. Các chất này làm tổn thương lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày là tuyến nhầy dẫn đến lớp niêm mạc này bị viêm cấp hoặc mạn tính. Với những người bị viêm dạ dày kéo dài (viêm dạ dày mạn tính) thì lớp niêm mạc sẽ bị tổn thương dần dần và teo đi. Sự teo dạ dày này đồng nghĩa với các tuyến dạ dày sẽ giảm hoặc mất bài tiết dịch vị, dẫn đến các rối loạn dinh dưỡng và tiêu hóa khác kèm theo.

2. Loét dạ dày xảy ra như thế nào?

Có 3 vị trí dễ gặp khi bị loét dạ dày đó là hành tá tràng, bờ cong nhỏ và đầu dưới của thực quản (tâm vị). Hầu hết bệnh nhân bị loét tá tràng do bài tiết quá nhiều acid và enzym pepsin (enzym tiêu hóa protein). Điều này làm cho mất cân bằng giữa yếu tố tiêu hóa và yếu tố bảo vệ trong dạ dày. Những người còn lại bị loét tá tràng do một trong những nguyên nhân sau: chất nhầy bài tiết ra không có tác dụng bảo vệ, giảm bài tiết chất nhầy, mất khả năng hạn chế tốc độ chuyển thức ăn từ dạ dày và tá tràng và hạn chế khả năng bài tiết dịch tụy (để trung hòa acid dạ dày) khi thức ăn vào tá tràng. Loét tá tràng cũng mang tính di truyền.

Ở những người bị loét dạ dày, khả năng bài tiết acid HCl có thể bình thường hoặc giảm. Những người này thường có viêm dạ dày kèm theo. Như vậy có thể nói rằng loét dạ dày là do khả năng chống chịu với tác dụng tiêu hóa từ dịch vị của niêm mạc bị giảm. Loét dạ dày thường gặp ở những người nghiện rượu hoặc lạm dụng thuốc aspriri.

Trên đây là phần 1 của rối loạn tiêu hóa thường gặp, liên quan chủ yếu đến dạ dày. Ở phần sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về rối loạn khác của đường tiêu hóa như táo bón, ỉa chảy… Hy vọng bài viết sẽ cung cấp được kiến thức cho quý độc giả

Xem thêm

Hiểu biết chung về một số rối loạn ở đường tiêu hóa (phần 2)

5 nguyên nhân đau dạ dày bạn không ngờ đến

Thức ăn được tiêu hóa ở dạ dày như thế nào?


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay