Hiểu biết chung về một số rối loạn ở đường tiêu hóa (phần 2)| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Táo bón ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người già, khiến cho họ cảm thấy khó chịu khi phải rặn trong lúc đi vệ sinh. Ỉa chảy lại thường gặp ở trẻ em, chỉ kéo dài một vài ngày và tự khỏi. Tuy nhiên tiêu chảy cấp cũng có thể gây ra tình trạng mất nước và có thể ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể.
1. Táo bón – rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người già
Theo ước tính số người trên 60 tuổi mắc táo bón rơi và khoảng 28 – 50% dân số và tỷ lệ này tăng cao theo tuổi. Táo bón là tình trạng đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần. Đây là biểu hiện quá trình vận động chậm chạp của phân qua ruột già và thường kèm theo khối lượng khá lớn phân bị dồn nén ở đại tràng ngang. Phân lúc này thường khô và cứng vì bị giữ lại ở ruột già lâu dẫn đến nước trong phân được hấp thụ nhiều.
Nguyên nhân thường gặp của táo bón là do việc “nhịn” đi đại tiện trở thành thói quen. Táo bón ít gặp ở trẻ sơ sinh vì chưa hình thành thói quen này. Trong những năm đầu đời, trẻ thường bị người lớn yêu cầu nhịn khi cháu muốn đi đại tiện, điều này có thể gây ảnh hưởng đến thói quen đi đại tiện sau này. Các bác sĩ lâm sàng đã nhận thấy nếu nhịn đi đại tiện nhiều lần hoặc sử dụng các thuốc nhuận tràng lâu dài sẽ làm yếu đi các phản xạ và trương lực cơ của ruột già. Từ đó khả năng tống phân vào trực tràng sẽ bị giảm. Đối với người già, nguyên nhân khác gây ra táo bón là do thay đổi chế độ ăn. Do việc khó nhai và tiêu hóa kém làm cho người cao tuổi hạn chế thức ăn chứa nhiều chất xơ.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nên tập thói quen đại tiện vào buổi sáng sau bữa ăn để hạn chế bị táo bón. Đây là khoảng thời gian mà các phản xạ dạ dày – ruột già, tá tràng – ruột già diễn ra mạnh giúp ruột già dễ dàng tống thức ăn về phía trực tràng.
2. Ỉa chảy – rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ
Ỉa chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày. Đây là sự vận động quá nhanh của phân trong ống tiêu hóa mà đặc biệt là ở ruột già. Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn gây nên viêm ruột. Đoạn ruột bị viêm thường ở phần cuối của ruột non và lan rộng ở ruột già. Niêm mạc ruột bị viêm kích thích các tuyến tăng cường bài tiết, nhu động ruột cũng tăng lên nhiều lần. Lẽ tất yếu, một lượng dịch rất lớn được ruột bài tiết để cuốn đi tác nhân gây nhiễm khuẩn và đồng thời lượng dịch này cũng theo nhu động ruột đẩy mạnh về phía hậu môn.
3. Nôn – khi thực ăn đi ngược đường tiêu hóa
Đây là phản xạ khi đường tiêu hóa bị căng hoặc kích thích quá mức, đặc biệt là ở tá tràng. Phản xạ này sẽ đẩy thức ăn đi ra ngoài bằng đường miệng. Trung tâm nôn ở não sẽ được kích thích bởi các dây thần kinh tại hệ tiêu hóa, sau đó xử lý và truyền đi những tín hiệu gây nên. Các tín hiệu gây ra các tác dụng như sau:
Đầu tiên, người ta sẽ hít thật sâu. Sau đó, thực quản sẽ mở ra thông qua việc nâng xương móng và thanh quản. Tiếp theo, nắp sụn khí quả đóng lại, lỗ mũi sau đóng lại. Cơ hoành và các cơ thành bụng co làm áp suất dạ dày tăng mạnh. Cuối cùng, cơ thắt thực quản giãn đột ngột, thực ăn bị đẩy qua ống thực quản và ra ngoài.
Như vậy, quá trình nôn là do sức ép của thành cơ hoành và cơ thành bụng lên dạ dày kết hợp với sự mở ra bất ngờ của cơ thắt thực quản khiến cho thức ăn bị tống ra ngoài qua đường miệng.
Trên đây là những rối loạn thường gặp ở đường tiêu hóa. Những dấu hiệu này có thể biểu hiện nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Để xem thêm những kiến thức và y tế, hãy truy cập trang chủ của Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống hoặc thông qua kênh Youtube của Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing. Cảm ơn quý độc giả đã chú ý theo dõi.