ĐỘT QUỴ - NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ ÍT NGƯỜI BIẾT | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.
Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing
Đột quỵ là sự gián đoạn về tuần hoàn não, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho người trên 60 tuổi và là nguyên nhân thứ 2 gây khuyết tật (mất thị lực, khả năng nói, liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể). Đây là một trong những cấp cứu tối cấp trong y học và ngày càng phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, có rất nhiều thống kê mà mọi người chưa được biết rõ về tai nạn y khoa này.
1. Đột quỵ có phải bệnh của người trên 60 tuổi.
Trên thế giới, cứ mỗi 40 giây lại có 1 bệnh nhân đột quỵ; cứ mỗi 4 phút lại có 1 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ hàng năm còn cao hơn tổng số trường hợp tử vong do AIDS, lao và sốt rét cộng lại. Không những thế, thống kê của nhiều bệnh viện cho thấy, số người trẻ nhập viện vì đột quỵ thời gian gần đây tăng khoảng 30% so với vài năm trước. Chính vì vậy, chúng ta không nên coi Đột quỵ là vấn đề y khoa chỉ dành cho người trên 60 tuổi.
Việc nhập viện sớm các ca đột quỵ tăng hiệu quả điều trị. Chính điều này cho thấy việc phát hiện sớm của người dân các dấu hiệu đột quỵ sớm là rất quan trọng. Trong vòng từ 3 đến 5 giờ kể từ khi có triệu chứng đột quỵ, nếu bệnh nhân nhận được điều trị làm tan phần đọng máu trong não sẽ là hiệu quả nhất.
2. Dấu hiệu nhận biết FAST
Như hầu hết chúng ta đã biết, FAST là dấu hiệu nhận biết tốt nhất đối với các bệnh nhân đột quỵ. FAST bao gồm Mặt “Face” – Tay “Arm” – Lời nói “Speech” – Thời gian “Time” để đánh giá nạn nhân. Một nghiên cứu năm 2005 của Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho thấy thời gian thực hiện trung bình của người dân là 94 giây. Trong đó, đánh giá suy yếu chức năng mặt có độ nhạy là 94%, chức năng vận động của tay là 92%, cuối cùng là đánh giá khả năng giọng nói là 96%. Đây chính là những con số chứng minh cho FAST là một công cụ rất mạnh để xác định được một người có nguy cơ bị đột quỵ hay không? Bên cạnh đó, nghiên cứu này đã chứng mình được người không được tập huấn sơ cấp cứu sẽ nhận biết được dấu hiệu của đột quỵ là 76,4%; còn những người được tập huấn sơ cấp cứu sẽ nhận biết được dấu hiệu của đột quỵ là 94,4%. Một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, những kiến thức tập huấn về dấu hiệu nhận biết đột quỵ duy trì được 3 tháng và lâu nhất là 9 tháng. Chính vì thế, kiến thức và kỹ năng về sơ cấp cứu được khuyến cáo nên được tập huấn lại mỗi năm 1 lần.
3. Thiếu máu não cục bộ.
Ngoài những vấn đề trên, chúng ta cần biết về đột quỵ thoáng qua. Nó có thể bao gồm đầy đủ các triệu chứng giống với đột quỵ. Các triệu chứng biểu hiện với thời gian ngắn và não không bị tổn thương vĩnh viễn là sự khác biệt căn bản giữa thiếu máu cục bộ và đột quỵ. Tuy nhiên, việc nhận biết khả năng bị thiếu máu cục bộ là rất quan trọng để cho phép việc điều trị sớm và giảm nguy co bị đột quỵ nặng.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm:
Yêu cầu trợ giúp trong sơ cấp cứu.