Các khóa học đã đăng ký

ĐIỀU TRỊ THOÁI HOÁ KHỚP - DỄ HAY KHÓ? | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị Thoái hoá khớp (THK) làm thay đổi tiến trình của bệnh, hầu hết mục đích điều trị là kiểm soát đau và sưng khớp, làm giảm tàn phế, cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh cũng như giáo dục bệnh nhân về vai trò của bản thân trong điều trị bệnh.

Dieu-tri-thoai-hoa-khop-Wellbeing

Việc điều trị dựa vào đặc điểm riêng của từng cá nhân, nguyện vọng của bản thân bệnh nhân, chức năng và mức độ hoạt động của khớp, mức độ tổn thương, tình trạng các bệnh tật kèm theo trên cơ sở nghề nghiệp và chỗ ở hiện tại của bệnh nhân.

1. Điều trị không dùng thuốc.

Dieu-tri-thoai-hoa-khop-Wellbeing

Theo khuyến cáo của Hội Thấp học Mỹ (ACR) 2012 các biện pháp không dùng thuốc tập trung vào: tư vấn chuyên gia, thể dục liệu pháp, giảm cân (cho người thừa cần, béo phì), tập vận động (chống hạn chế vận động, tăng cường sức cơ), sử dụng phương tiện hỗ trợ. Mục đích nhằm tránh cho khớp bị quá tải và giảm đau. Bao gồm:

  • Giáo dục cho bênh nhân: Tránh cho khớp quá tải bởi vận động và trọng lượng, giảm trọng lượng với các bênh nhân béo phì. Sửa chữa các tư thế xấu gây lệch trục khớp và cột sống.

  • Các phương pháp vật lý trị liệu, sử dụng nhiệt lượng: Siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, suối khoáng, tắm bùn. Các phương pháp này có tác dụng giảm đau, sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp.

  • Thích nghi với điều kiện làm việc: Tìm các biện pháp để bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc và tình trạng bệnh, dựa trên nguyên tắc tránh cho khớp tổn thương không bị quá tải.

  • Về tập luyện: Với các khớp ngoại vi, có thể tập các bài tập chạy bộ khi khớp chưa có tổn thương Xquang (khe khớp còn bình thường). Ngoài ra các hoạt động thể thao khác như bơi, đạp xe tại chỗ, tập thể dục, giảm cân cũng là các biện pháp luyện tập tốt cho bệnh nhân Thoái hoá khớp.

2. Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng của bệnh.

Đau là triệu chứng gây cho bệnh nhân nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc điều trị triệu chứng THK tập trung vào việc giảm đau cho bệnh nhân. Có một số loại thuốc thường được sử dụng như sau:

  • Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Thuốc được dùng với tác dụng chống viêm đồng thời giảm đau. Thuốc có thể dùng trong thời gian tiến triển của bệnh. Khi dùng thuốc chống viêm không steroid điều trị THK thường làm tăng nguy cơ biến chứng trên ống tiêu hoá (viêm, loét, chảy máu, thủng ổ loét...).

  • Tiêm corticoid trong ổ khớp: Corticoid tiêm nội khớp rất có hiệu quả đối với các triệu chứng cơ năng của THK ở giai đoạn sớm, tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng  tại  chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc, nhiễm khuẩn khớp.

  • Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (DMOADs) là nhóm thuốc mới, không đạt hiệu quả tức thì mà sau một thời gian dài và hiệu quả này  được duy trì cả sau khi ngừng điều trị. Tuy nhiên, mỗi liệu trình sử dụng  thuốc này phải kéo dài từ 1-2 tháng hoặc nhiều năm nếu muốn bảo tồn sụn khớp. Các thuốc được dung nạp tốt và không có tác dụng phụ. Tên một số nhóm thuốc là: Glucosamin sulfat (Viartril-SR), Thuốc ức chế Interleukin 1, Axit hyaluroni...

3. Điều trị ngoại khoa.

Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, hoặc đau khớp kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa:

  • Nội soi khớp: Mục đích phương pháp này nhằm chẩn đoán hoặc can thiệp điều trị, bao gồm các kỹ thuật như: rửa khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch, sửa chữa sụn chêm, cắt lọc, lấy dị vật, cắt gai xương, phục hồi tái tạo dây chằng…

  • Phương pháp gọt giũa xương: Phẫu thuật nhằm sửa chữa sự biến dạng trục khớp được áp dụng trên những bệnh nhân bị lệch trục như: khớp gối vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài.

  • Phương pháp ghép sụn qua nội soi: Hiện đang được nghiên cứu áp dụng, chưa thực hiện tại Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới kết quả cũng rất hạn chế do mảnh sụn ghép dễ bong ra.

  • Cấy tế bào sụn tự thân: Lấy tế bào sụn của bệnh nhân ra nuôi cấy và cho nhân lên ở môi trường bên ngoài, sau đó tiêm trở lại khớp gối của chính bệnh nhân, sụn sẽ phát triển tốt và thay thế lớp sụn cũ đã bị thoái hóa.

  • Thay khớp nhân tạo: Chỉ định đối với các THK tiến triển, mang lại hiệu quả giảm đau rõ và cải thiện tốt chức năng vận động của khớp. Tuy nhiên thời gian sử dụng của khớp nhân tạo phụ thuộc vào loại khớp thay, kỹ thuật thực hiện và chất lượng xương.

Tuy nhiên, các biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay như đã nêu trên không thể giải quyết được triệt để bệnh. Đôi khi còn có thể gây ra các biến chứng cho bệnh nhân, hơn nữa, thời gian điều trị bệnh thường kéo dài. Vì vậy hiện nay các bác sĩ đang cố gắng nghiên cứu tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Tài liệu tham khảo:

1. Đoàn Văn Đệ (2008), "Thoái hoá khớp", Bệnh học nội khoa, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tr. 53-59.

2. Nguyễn Mạnh Khánh (2011), Nghiên cứu ứng dụng ghép tế bào gốc tủy xương tự thân điều trị chậm liền xương, khớp giả thân xương chày, Luận án tiến sĩ Y học, Học viện Quân y, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2012), Thoái hóa khớp, Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, NXB Giáo dục, 138-151.

Xem thêm:

- Thoái hoá khớp - Nỗi lo của người cao tuổi.

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay