Các khóa học đã đăng ký

Dịch vị đóng vai trò gì trong tiêu hóa?| Wellbeing

Dịch vị được tiết ra từ các tuyến của dạ dày. Các tuyến này nằm ở dưới niêm mạc dạ dày, mỗi tuyến lại bài tiết các nhóm chất khác nhau của dịch vị. Có thể chia các nhóm chất trong dịch vị thành nhóm men (enzyme) tiêu hóa, nhóm các chất vô cơ, nhóm các chất nhầy và yếu tố nội.

1. Nhóm men tiêu hóa (enzyme) trong dịch vị có vai trò như thế nào?

Men tiêu hóa trong dịch vị bao gồm các chất pepsin, lipase, gelatinase. Pepsin được các tế bào chính của tuyến thân vị tiết ra dưới dạng chưa hoạt động là pepsinogen. Trong môi trường pH dưới 5, pepsinogen được hoạt hóa và trở thành pepsin. Pepsin cắt liên kết giữa các acid amin (liên kết peptid) có trong phân tử protein, hay nói cách khác, pepsin có tác dụng cắt nhỏ các phân tử đạm lớn. Ngoài cắt các liên kết peptid, pepsin còn có tác dụng phân hủy các sợi collagen có trong thịt. Khi các sợi collagen này được phân hủy, các men tiêu hóa khác mới thấm vào thịt và tiêu hóa chúng.

Trong nhóm men tiêu hóa của dịch vị còn chứa lipase. Tuy nhiên, tác dụng của men tiêu hóa này rất yếu, nó cắt liên kết có trong lipid của sữa, trứng và tạo thành những phân tử nhỏ dễ hấp thu (monoglycerid và acid béo).

Gelatinase có tác dụng tiêu hóa thịt, chủ yếu là tiêu hóa các phân tử proteoglycan.

2. Nhóm các chất vô cơ trong dịch vị quan trọng như thế nào?

Nhóm các chất vô cơ trong dịch vị là acid HCl, các ion như Na+, K+, Mg2+, H+, Cl-, HPO42-, SO42-. Acid HCl đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa, nó là điều kiện cần thiết để chuyển men tiêu hóa pepsinogen sang dạng hoạt động là pepsin. Khi pepsin hoạt động, HCl lại tạo môi trường tối ưu nhất để men tiêu hóa này có thể phân hủy thức ăn. Ngoài ra, đây cũng là một chất có tính sát khuẩn cao, nó sẽ giúp cơ thể tiêu diệt những vi khuẩn có trong thức ăn. Vỏ cellulose của thực vật non sẽ cũng sẽ bị thủy phân bởi HCl, điều này giúp cho cơ thể có thể lấy được các chất dinh dưỡng ở bên trong của loại thực phẩm này.

3. Nhóm các chất nhầy và tác dụng của chúng

Để tránh cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương bởi men tiêu hóa và acid, các tế bào ở tuyến vùng tâm vị (chỗ nối dạ dày-thực quản) và môn vị (chỗ nối dạ dày-ruột non) bài tiết chất nhầy. Bản chất của chất nhầy là glycoprotein và mucopolysaccarid. Chất nhầy tạo thành một màng có tính kiềm, chắc chắn và phủ lấy toàn bộ niêm mạc dạ dày. Nếu như ở điều kiện bình thường, chất nhầy và HCl, pepsin có sự bài tiết tương đương nhau thì dạ dày sẽ không bị tổn thương. Nếu chất nhầy giảm tiết thì làm cho dạ dày vừa tiêu hóa thức ăn, vừa “tiêu hóa” luôn niêm mạc của nó. Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạy dày.

Ngoài ra, chất nhầy còn giúp cho thức ăn được vận chuyển dễ dàng nhờ khả năng bôi trơn của nó.

4. Yếu tố nội là gì? Tác dụng của nó với cơ thể ra sao?

Yếu tố nội là một nhóm chất của dịch vị dạ dày. Nó được tế bào viền ở phần đáy và thân vị bài tiết. Yếu tố nội có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ vitamin B12. Khi phẫu thuật cắt dạ dày hoặc bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính làm thiếu hụt yếu tố nội từ đó làm cho cơ thể không hấp thụ vitamin B12 dẫn đến thiếu máu. Vitamin B12 giúp cơ thể có thể hình thành tế bào hồng cầu.

Thức ăn được nghiền và trộn lẫn với dịch vị, tiêu hóa một phần và sau đó được đưa xuống ruột non. Thức ăn trong dạ dày có một phần protein được tiêu hóa dang dở, tinh bột chín được tiêu hóa trở thành maltose và mỡ hầu như chưa bị phân giải.

Để tìm hiểu thêm các thông tin về sức khoẻ, đặc biệt là trong sơ cấp cứu. Quý độc giả vui lòng truy cập website: https://socapcuu.vn/

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay