Các khóa học đã đăng ký

Quá trình sốt diễn ra như thế nào?| Wellbeing

Một người bị sốt sẽ trải qua 3 giai đoạn đó là sốt tăng, sốt đứng và sốt lui. Các giai đoạn này khác nhau ở biểu hiện cũng như cơ chế tăng và giảm thân nhiệt. Sự khác nhau này tạo thành đặc trưng cho từng bệnh nhất định.

1. Giai đoạn sốt tăng là gì?


Giai đoạn sốt tăng còn được gọi là giai đoạn tăng thân nhiệt. Giai đoạn này cơ thể tăng sản sinh thân nhiệt, các phản ứng thải nhiệt của cơ thể lại giảm do đó dẫn đến mất cân bằng nhiệt. Biểu hiện của tăng thân nhiệt bao gồm nổi da gà (co cơ dựng lông), tăng nhịp thở (tăng hô hấp) và tăng mạch đập (tăng tuần hoàn)… Ở giai đoạn này, cơ thể hấp thụ lương oxy cao gấp 3 đến 4 lần bình thường làm cho tốc độ sinh nhiệt tăng lên.

Ở giai đoạn sốt tăng, các phản ứng thải nhiệt cũng giảm. Biểu hiện cơ thể giảm thải nhiệt bao gồm da nhợt và giảm tiết mồ hôi do co mạch dưới da, thường xuyên đòi đắp chăn… Trong những trường hợp cơ thể nhiễm các tác nhân gây sốt có tác dụng mạnh như vi khuẩn hay virus thì có phản ứng rùng mình, ớn lạnh và run cơ. Các phản ứng này làm nhiệt độ cơ thể tăng rất nhanh.

Các biện pháp hạ nhiệt như dùng thuốc hoặc chườm ấm có ít hiệu quả trong giai đoạn này.

2. Giai đoạn sốt đứng diễn ra như thế nào?


Sốt đứng là giai đoạn thân nhiệt bắt đầu ổn định ở mức cao. Lúc này, phản ứng thải nhiệt tăng lên và cơ thể giảm quá trình sinh nhiệt dẫn đến nhiệt độ dần ổn định ở mức cao. Tuy vậy, mồ hôi vẫn chưa được thải ra. Lúc này sẽ có 3 trạng thái sốt tùy thuộc vào cơ địa của từng người đó là: sốt nhẹ (38oC), sốt vừa (38oC – 39oC) và sốt cao (trên 39oC). Chúng ta có thể bị sốt liên tục hoặc sốt cách quãng (lúc về bình thường, lúc sốt). Điều này phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh.

Biểu hiện đặc trưng của quá trình sốt đứng là dãn giãn mạch dưới da (mạch ngoại vi) làm cho da từ tái nhợt chuyển sang đỏ, khô và nóng hơn. Nhịp thở và tần số mạch giảm so với giai đoạn sốt tăng nhưng vẫn gấp 1,5 đến 2 lần so với bình thường. Nhiệt độ cơ thể vẫn duy trì ở mức cao.

Lúc này chúng ta có thể sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như chườm ấm và thuốc hạ sốt để hạn chế biến chứng do sốt quá cao gây ra.

3. Giai đoạn sốt lui của cơ thể.


Đây là lúc nhiệt độ cơ thể sẽ trở về bình thường. Giai đoạn này xảy ra do nhiều yếu tố cùng kết hợp như giảm hô hấp và chuyển hóa về mức tối thiểu, giãn mạch ngoài vi, vã mồ hôi và tăng bài tiết nước tiểu.

Lúc này cơ thể có thể tụt huyết áp do mạch ngoại vi bị giãn. Tụt huyết áp có thể xảy ra khi chúng ta thay đổi tư thế (đứng lên) đột ngột hoặc vận động mạnh. Cơ thể cũng có thể bị nhiễm lạnh do gió lùa, tiếp xúc lạnh hoặc tắm lạnh.

Hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi và sử dụng các đồ ăn, nước uống ấm để giúp cơ thể hồi phục tốt hơn sau sốt.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu cho trẻ nhỏ trong các tình huống khẩn cấp, bố mẹ có thể tham khảo thêm thông tin tại: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay