Chấn thương ở đầu ảnh hưởng như thế nào tới trẻ? | Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Trẻ nhỏ là lứa tuổi hiếu động, tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nên rất dễ té ngã. Những va chạm tưởng chừng nhẹ nhàng này có thể gây ra những chấn thương đầu của trẻ. Nếu bị va nhẹ, trẻ có thể chỉ bị bầm tím. Nhưng nếu có va đập mạnh, não bộ có thể bị lắc trong hộp sọ và gây choáng váng hoặc tạm thời bất tỉnh - đó gọi là chấn động não.
1. Nguyên nhân dẫn tới chấn thương đầu ở trẻ
Với sự hiếu động ở lứa tuổi này, trẻ rất dễ gặp phải các tai nạn và té ngã. Nguyên nhân dẫn tới những chấn thương đầu ở trẻ thường là:
- Va đập đầu trong chơi thể thao, tham gia các trò chơi với bạn bè
- Vô tình va đập vào cửa, va phải cạnh bàn hoặc các đồ dùng/vật cứng
- Ngã từ trên cao xuống
- Tai nạn giao thông
Hầu hết các trường hợp, các chấn thương ở đầu của trẻ đều nhẹ và có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, những chấn động vào vùng đầu có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Lúc này cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần tiến hành sơ cứu khi trấn thương ở đầu làm trẻ bất tỉnh.
2. Ảnh hưởng của chấn thương đầu tới trẻ
Tùy vào mức độ của sự va đập, chấn thương đầu có thể gây ra những nguy hiểm sau cho trẻ:
- Khi trẻ bị chấn thương ở đầu, do vùng da đầu và trán có nguồn máu cung cấp phong phú nên chấn thương ở những vùng này thường dẫn đến chảy máu dưới da. Hậu quả là các vết bầm tím hoặc sưng phồng.
Thường thì các vết sưng, bầm tím sẽ dần tan hết, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Trẻ cũng có thể bị chảy máu nhưng nếu tình trạng tỉnh táo, nhanh nhẹn, các phản ứng bình thường, không có các dấu hiệu thể chất, thần kinh bất thường, phụ huynh không cần lo lắng. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần biết xử trí trẻ bị chấn thương đầu trong trường hợp này để có thể trấn an và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
- Những va đập với lực mạnh vào đầu có thể gây chảy máu ngoài hoặc khiến tăng áp lực nội sọ gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ.
Hộp sọ là một cấu trúc cứng có thể tích cố định. Trong hộp sọ có chứa não, máu và dịch não tủy. Áp lực trong khoang sọ được duy trì bởi sự dao động của thể tích dịch não tủy được gọi là áp lực nội sọ. Khi đầu trẻ có những va đập với lực mạnh gây ra chấn động và chảy máu trong não sẽ làm gia tăng áp lực trong hộp sọ hay còn gọi là tăng áp lực nội sọ. Bau đầu trẻ có thể không có dấu hiệu gì nhưng sau một thời gian (vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày), tình trạng của trẻ có thể xấu đi.
Các dấu hiệu dưới đây là biểu hiện cho thấy trẻ có thể bị tăng áp lực nội sọ sau chấn thương đầu:
+ Đau đầu
+ Buồn nôn và nôn
+ Chóng mặt
+ Rối loạn thị giác
+ Ù tai
Nếu có những dấu hiệu như liệt kê thì rất có thể chấn thương đầu của trẻ đang dần nghiêm trọng. Do đó, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhất thiết phải quan sát và theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện ngay khi chấn thương đầu có dấu hiệu xấu đi.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây