Xử trí thế nào khi trẻ bị bỏng hóa chất ở mắt? | Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Hóa chất rơi vào mắt có thể để lại sẹo hoặc thậm chí gây mù cho trẻ. Nếu thấy trẻ kêu đau dữ dội trong mắt, khó mở bên mắt bị tổn thương, chảy nước mắt, sưng đỏ ở trong và quanh mắt thì có thể trẻ đã bị bỏng hóa chất.
1. Hậu quả của bỏng mắt do hóa chất ở trẻ
Bỏng hóa chất là một trong những tác nhân gây bỏng nặng nề nhất và để lại nhiều hậu quả cho mắt như:
- Tổn thương giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng) và mí mắt ở các mức độ khác nhau tùy thuộc loại hóa chất. Ở mức độ nặng có thể gây ra loét, hoạt tử và thủng giác mạc.
- Giảm thị lực
- Gây mù lòa nếu bị bỏng nặng
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bỏng mắt do hóa chất
Để nhận biết trẻ có bị bỏng mắt do hóa chất hay không, cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể quan sát dựa trên các dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ kêu đau dữ dội trong mắt
- Trẻ khó mở bên mắt bị tổn thương
- Chảy nước mắt giàn dụa
- Sưng đỏ ở trong và quanh mắt
3. Cách xử trí khi trẻ bị bỏng mắt do hóa chất
Việc điều trị và hồi phục của mắt bị bỏng phụ thuộc nhiều vào sơ cấp cứu ở những giây phút ban đầu sau bị bỏng. Do đó, khi xác định được trẻ bị bỏng mắt do hóa chất, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy thực hiện sơ cứu nhanh chóng theo các bước dưới đây:
- Yêu cầu trẻ không được dụi mắt vì sẽ là tổn thương trở lên nặng nề hơn.
- Hãy tự bảo vệ mình bằng găng tay cao su. Bạn hãy giữ đầu trẻ trên bồn rửa với một bên mắt lành ở trên. Nhẹ nhàng xả nước lạnh nên mắt bị nhiễm hóa chất ít nhất 10 phút, rửa sạch cả mặt trong lẫn mặt ngoài mí mắt, giữ dòng nước nhiễm hóa chất không chảy vào mặt trẻ.
Nếu không giữ được trẻ dưới vòi nước, bạn có thể dùng bình nước có tay cầm và vòi để dội lên mắt bị thương. Nhờ người giúp đỡ để đỡ đầu trẻ ngửa ra và nghiêng sang một bên, tránh làm bắn nước rửa mắt đã nhiễm hóa chất vào bên mắt lành.
- Khi bên mắt bị thương đã được rửa kỹ, hãy che mắt trẻ lại bằng miếng băng vô trùng có diện tích lớn và giữ miếng băng tại chỗ đến khi có trợ giúp y tế.
- Đưa trẻ đi viện hoặc gọi cứu thương.
Lưu ý:
- Không cho trẻ dụi mắt.
- Mắt trẻ sẽ nhắm chặt lại do co thắt và đau nên hãy nhẹ nhàng kéo mí mắt mở ra.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây