Xử trí khi dị vật mắc vào vết thương của trẻ | Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Trẻ nhỏ là lứa tuổi hiểu động, tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh. Trong quá trình chơi và tham gia các hoạt động, trẻ rất dễ bị thương do các vật nhọn đâm phải như mảnh kính, dao, dĩa, kéo... Nếu một vật như mảnh kính hay các vật nhọn khác mắc vào vết thương thì rất đáng lo ngại vì nó có thể bịt kín vết thương, ngăn máu chảy. Do đó đòi hỏi cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần biết cách sơ cứu đúng.
Các bước xử trí khi dị vật mắc vào vết thương của trẻ
Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy có dị vật mắc vào vết thương của trẻ thì hãy xử trí theo các bước sau:
- Giúp trẻ nằm xuống và dỗ dành để trấn an trẻ.
- Không tìm mọi cách để cố gắng lấy dị vật ra vì bạn có thể gây tổn thương thêm hoặc chảy máu nặng hơn ở vết thương của trẻ. Chỉ nên rút dị vật nếu nó nhỏ và đâm sâu không quá 1cm. Nếu dị vật đâm sâu quá 1 cm hoặc không chắc về độ sâu của vết đâm, không rút dị vật khỏi vết thương.
-Nếu vết thương chảy máu nhiều, hãy ép hai cạnh của dị vật để đẩy hai mép vết thương lại gần giúp cầm máu.
- Nhẹ nhàng đặt vài miếng gạc lên trên vết thương và phần vết thương xung quanh dị vật để giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
- Độn thêm băng ở hai cạnh vết thương sao cho phần băng độn thêm cao hơn dị vật một chút. Tốt nhất nên sử dụng băng độn thêm là băng cuộn.
- Cố định băng cuộn và vết thương bằng cách dùng băng quấn xung quanh, cẩn thận để không ấn vào dị vật.
- Đưa trẻ đi bệnh viện hoặc gọi cứu thương.
Lưu ý:
- Kiểm tra lại sổ tiêm để chắc chắn trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin uốn ván mũi nhắc lại
Đây là một vi khuẩn nguy hiểm có trong đất. Nếu vi khuẩn này qua vết thương vào cơ thể, chúng sẽ tiết ra các độc tố cho hệ thần kinh. Cách phòng bệnh uốn ván tốt nhất là tiêm vắc-xin. Trẻ dưới một tuổi đều được tiêm vắc-xin phòng uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước khi đi học, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại.
- Nếu trẻ bị mất nhiều máu, hãy tiến hành các bước sơ cứu vết thương chảy máu nghiêm trọng.
Biện pháp phòng tránh các vết thương có dị vật cắm vào ở trẻ
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá và không ý thức được về những nguy hiểm có thể gặp phải. Chỉ một khoảnh khắc nhỏ bất cẩn của người lớn cũng dẫn tới hậu quả khó lường. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy chú ý thực hiện các điều sau để phòng tránh các vết thương do dị vật cắm vào ở trẻ:
- Không để trẻ chạy nhảy, đùa nghịch khi đang cầm kéo, đũa hoặc các vật sắc nhọn trên tay
- Bọc lại các đầu, cạnh của những đồ vật sắc nhọn trong nhà
- Đặt những vật sắc nhọn ở những chỗ trẻ không thể với được
- Với trẻ nhỏ, cần có người lớn trông nom và quan sát trẻ
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây