Sơ cứu chấn thương đầu khiến trẻ bất tỉnh – Cha mẹ đã biết? | Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Sơ cứu chấn thương đầu khi trẻ bất tỉnh là kỹ năng sơ cứu quan trọng mà cha mẹ cần trang bị. Trẻ nhỏ là lứa tuổi hiếu động, tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nên rất dễ té ngã. Những va chạm tưởng chừng nhẹ nhàng này có thể gây ra những chấn thương đầu nghiêm trọng ở trẻ. Nếu bị va nhẹ, trẻ có thể chỉ bị bầm tím. Nhưng nếu có va đập mạnh, não bộ có thể bị lắc trong hộp sọ và gây choáng váng hoặc tạm thời bất tỉnh - đó gọi là chấn động não đòi hỏi cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần biết sơ cứu kịp thời và đúng cách trước khi có sự trợ giúp y tế.
1. Hậu quả của chấn thương đầu với trẻ
Khi trẻ bị chấn thương ở đầu, do vùng da đầu và trán có nguồn máu cung cấp phong phú nên chấn thương ở những vùng này thường dẫn đến chảy máu dưới da. Hậu quả là các vết bầm tím hoặc sưng phồng. Thường thì các vết sưng, bầm tím sẽ dần tan hết, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Trẻ cũng có thể bị chảy máu nhưng nếu tình trạng tỉnh táo, nhanh nhẹn, các phản ứng bình thường, không có các dấu hiệu thể chất, thần kinh bất thường, phụ huynh không cần lo lắng.
Tuy nhiên, nhiều va đập vào đầu có thể gây chảy máu hoặc khiến tăng áp lực nội sọ. Sự thay đổi đó có thể đè lên não (gọi là sự chèn ép não) – một tình trạng nghiêm trọng. Bau đầu trẻ có thể không có dấu hiệu gì nhưng sau một thời gian (vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày), tình trạng của trẻ có thể xấu đi hoặc bất tỉnh ngay lúc đó. Vì vậy, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhất thiết phải quan sát và theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện ngay khi chấn thương đầu có dấu hiệu xấu đi.
2. Cách sơ cứu khi chấn thương đầu làm trẻ bất tỉnh
Hầu hết các chấn thương ở đầu của trẻ trong sinh hoạt hằng ngày là những trấn thương nhẹ và không phải nằm viện. Tuy nhiên, có những chấn thương đầu nghiêm trọng khiến trẻ bất tỉnh. Với những trấn thương này, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy thực hiện theo những bước sau:
- Kiểm tra mức độ phản ứng của trẻ xem trẻ có bất tỉnh bằng những tiêu chí sau:
+ Trẻ có tỉnh không? Mắt trẻ có mờ và trẻ có đáp lại bình thường khi được hỏi chuyện không?
+ Trẻ chỉ trả lời được những câu hỏi đơn giản hay làm theo chỉ dẫn không? Hay trẻ chỉ phản ứng với cảm giác đau? Ví dụ: trẻ chỉ mở mắt ra khi bạn vỗ vào chân hay đập vào vai.
+ Trẻ có hoàn toàn bất tỉnh không?
Nếu trẻ không phản ứng và bất tỉnh. Hãy thực hiện các bước dưới đây.
- Không di chuyển trẻ vì có thể trẻ có chấn thương ở lưng hoặc cổ, việc di chuyển có thể gây thêm tổn thương não bộ và tủy sống.
- Quỳ xuống sau đầu trẻ và đặt khuỷu tay bạn xuống đất hoặc trên đùi. Mở đường thở bằng cách đẩy góc hàm: úp mỗi bàn tay vào một bên mặt trẻ, đầu ngón tay đặt ở góc hàm. Nhẹ nhàng đẩy hàm lên để mở đường thở (chú ý không dịch chuyển đầu trẻ về phía sau).
- Kiểm tra hơi thở của trẻ. Nếu trẻ vẫn thở, tiếp tục hỗ trợ đấy góc hàm để giữ đường thở thông thoáng. Nếu trẻ không còn thở, lập tức tiến hành hồi sức tim phổi. Nhờ người GỌI CỨU THƯƠNG.
3. Lưu ý
- Trẻ có thể bị tổn thương hộp sọ nếu mức độ phản ứng suy yếu, có máu hoặc dịch chứa máu chảy ra từ mũi hoặc tai hay da đầu; máu xuất hiện ở lòng trắng của mắt; hoặc gây ra biến dạng vùng mặt, đầu.
- Hãy luôn nhớ rằng tổn thương đầu có khả năng gây tổn thương cột sống
4. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Sau khi sơ cứu, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Một số dấu hiệu nghiêm trọng cần đặc biệt lưu ý bao gồm:
Trẻ bất tỉnh lâu hoặc bất tỉnh ngắn nhưng tỉnh dậy với biểu hiện lơ mơ, không tỉnh táo.
Trẻ kêu đau đầu dữ dội, cơn đau không thuyên giảm.
Buồn nôn hoặc nôn nhiều lần sau chấn thương.
Xuất hiện co giật, động kinh.
Rối loạn vận động: khó đi lại, mất thăng bằng, chân tay yếu hoặc tê liệt.
Mất trí nhớ tạm thời, không nhớ những gì vừa xảy ra.
Đồng tử mắt hai bên không đều, có dấu hiệu chảy máu hoặc dịch lạ từ tai, mũi.
Trẻ có vẻ buồn ngủ quá mức, khó đánh thức.
Ngay cả khi trẻ có vẻ ổn sau chấn thương, vẫn nên theo dõi trong ít nhất 24 giờ. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy đưa trẻ đi khám ngay.
5. Phòng ngừa chấn thương đầu ở trẻ
Để hạn chế nguy cơ trẻ bị chấn thương đầu dẫn đến bất tỉnh, phụ huynh và người chăm sóc trẻ có thể áp dụng các biện pháp sau:
Đảm bảo trẻ luôn có người giám sát khi vui chơi, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ té ngã cao như cầu thang, sân chơi, bể bơi.
Trang bị mũ bảo hiểm khi trẻ đi xe đạp, trượt patin hoặc chơi thể thao có nguy cơ va chạm.
Đặt thanh chắn an toàn tại cầu thang, cửa sổ để ngăn trẻ nhỏ trèo ra ngoài.
Giữ nhà cửa gọn gàng, tránh để vật dụng sắc nhọn, cồng kềnh ở nơi trẻ dễ va phải.
Dạy trẻ kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, chơi đùa hoặc khi di chuyển trong môi trường có nguy cơ trơn trượt.
6. Hiểu rõ hơn về chấn thương sọ não:
Chấn thương đầu có thể dẫn đến tổn thương sọ não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Các dạng chấn thương sọ não bao gồm:
Chấn động não (concussion): Là dạng chấn thương phổ biến, gây choáng váng, mất ý thức tạm thời nhưng không có tổn thương cấu trúc não rõ ràng.
Bầm máu não (contusion): Tình trạng tụ máu trong mô não do va đập mạnh.
Xuất huyết nội sọ: Chảy máu bên trong não hoặc giữa các lớp màng bảo vệ não.
Gãy xương sọ: Xảy ra khi va đập mạnh gây nứt hoặc vỡ xương hộp sọ.
Dù trẻ có biểu hiện nhẹ sau chấn thương đầu, phụ huynh không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm.
7. Vai trò của sơ cứu trong bảo vệ tính mạng trẻ nhỏ
Sơ cứu kịp thời không chỉ giúp hạn chế tổn thương mà còn có thể cứu sống trẻ trong những tình huống nguy cấp. Khi trẻ bị chấn thương đầu và bất tỉnh, nếu không được xử lý đúng cách, trẻ có thể bị suy hô hấp hoặc tổn thương não vĩnh viễn. Việc mở đường thở, hỗ trợ hô hấp hoặc thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) đúng cách có thể giữ mạng sống cho trẻ trước khi xe cấp cứu đến.
8. Kết luận
Chấn thương đầu ở trẻ em là tình huống phổ biến nhưng không thể xem nhẹ. Hiểu rõ cách sơ cứu khi trẻ bất tỉnh, nhận biết dấu hiệu nguy hiểm và có biện pháp phòng ngừa phù hợp là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ. Phụ huynh hãy luôn chú ý đến sự an toàn của con mình và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu có điều kiện, hãy tham gia các khóa huấn luyện sơ cứu để có thêm kiến thức thực tế, giúp con có một tuổi thơ an toàn và khỏe mạnh.
Là đơn vị đào tạo sơ cấp cứu uy tín, mang đến các khóa học sơ cấp cứu chất lượng cao. Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing thiết kế chương trình học sơ cấp cứu giúp bạn và tổ chức trang bị kỹ năng ứng phó hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp. Hãy tham gia khóa học sơ cấp cứu của chúng tôi ngay hôm nay để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.