Chấn thương đầu ở trẻ xử trí thế nào? | Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Trẻ nhỏ là lứa tuổi hiếu động, tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nên rất dễ té ngã. Những va chạm tưởng chừng nhẹ nhàng này có thể gây ra những chấn thương đầu của trẻ. Nếu bị va nhẹ, trẻ có thể chỉ bị bầm tím. Nhưng nếu có va đập mạnh, não bộ có thể bị lắc trong hộp sọ và gây choáng váng hoặc tạm thời bất tỉnh - đó gọi là chấn động não. Nếu phụ huynh chủ quan, không chú ý những tai nạn nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày hay không để ý đến những thay đổi nhỏ của con mình có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
1. Hậu quả của chấn thương đầu với trẻ
Khi trẻ bị chấn thương ở đầu, do vùng da đầu và trán có nguồn máu cung cấp phong phú nên chấn thương ở những vùng này thường dẫn đến chảy máu dưới da. Hậu quả là các vết bầm tím hoặc sưng phồng. Thường thì các vết sưng, bầm tím sẽ dần tan hết, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Trẻ cũng có thể bị chảy máu nhưng nếu tình trạng tỉnh táo, nhanh nhẹn, các phản ứng bình thường, không có các dấu hiệu thể chất, thần kinh bất thường, phụ huynh không cần lo lắng.
Tuy nhiên, nhiều va đập vào đầu có thể gây chảy máu hoặc khiến tăng áp lực nội sọ. Sự thay đổi đó có thể đè lên não (gọi là sự chè ép não) – một tình trạng nghiêm trọng. Bau đầu trẻ có thể không có dấu hiệu gì nhưng sau một thời gian (vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày), tình trạng của trẻ có thể xấu đi. Vì vậy, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhất thiết phải quan sát và theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện ngay khi chấn thương đầu có dấu hiệu xấu đi.
2. Cách xử trí trẻ bị chấn thương đầu
Trừ trường hợp chấn thương sọ não nghiêm trọng, với trẻ em, hầu hết các chấn thương ở đầu trong sinh hoạt hằng ngày là những trấn thương nhẹ và không phải nằm viện. Với những trấn thương này, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy thực hiện theo những bước sau:
- Nếu trẻ thấy choáng váng, hãy giúp trẻ nằm xuống sàn (tránh để trẻ bị lạnh). Không để trẻ ngồi trên ghế vì trẻ có thể ngã xuống và bị thương.
- Kiểm tra xem chấn thương có khiến trẻ bị chảy máu. Nếu có hãy phủ vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng có diện tích rộng hơn vết thương, ép chặt miếng vải để cầm máu. Đặt một miếng vải khác nên nếu cần và ép chặt lên vết thương đang chảy máu và băng chặt vết thương.
- Để trẻ nghỉ ngơi và theo dõi sát sao. Kiểm tra các dấu hiệu cho thấy vết thương đầu xấu đi, sau đó trấn an và luôn theo sát trẻ. Nếu trẻ không hồi phục hoàn toàn hoặc có dấu hiệu yếu đi hãy GỌI CỨU THƯƠNG.
- Nếu trẻ đột ngột mất y thức, dù chỉ trong thoáng chốc, hãy GỌI CỨU THƯƠNG.
- Cho trẻ nghỉ ngơi cả hoạt động thể chất và suy nghĩ (nhận thức) trong 1-2 ngày sau khi bị chấn động não và sau đó dần trở lại hoạt động tùy theo triệu chứng của trẻ.
3. Lưu ý
Sau khi bị va chạm dẫn đến chấn thương đầu, hãy GỌI CỨU THƯƠNG và đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu chấn thương đầu trầm trọng hoặc xấu đi sau:
- Trẻ mất phương hướng hoặc ngủ lơ mơ
- Trẻ phàn nàn về việc nhìn đôi
- Trẻ bị nôn
- Trẻ kêu đau đầu
- Trẻ bối rối, mất trí nhớ, chóng mặt
- Trẻ gặp khó khăn khi nói hoặc đi bộ giữ thăng bằng
- Trẻ có cơn co giật