Các khóa học đã đăng ký

Xử trí vết cắt và xước da ở trẻ - Tưởng đơn giản nhưng cha mẹ đã làm đúng? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Vết cắt nhỏ và xước da là những vết thương không qua hết lớp da, tuy nhiên có thể gây đau và chảy máu. Với trẻ, chỉ cần một vết xước rất nhỏ cũng có thể khiến trẻ vô cùng khó chịu. Hãy dỗ dành trẻ và rửa vết thương. Băng vết thương lại bằng miếng dán y tế, giữ sạch vết thương và vỗ về trẻ.

Các bước xử trí vết cắt và xước da ở trẻ

- Đầu tiên, trước khi xử trí vết thương cho trẻ, bạn cần đảm bảo tay của mình sạch. Vì đây là vết cắt nhỏ và xước da nên không chảy máu dữ dội, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ hãy dành thời gian rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi bắt đầu sơ cứu cho trẻ.

- Bạn giúp trẻ ngồi xuống và dỗ dành. Hãy dùng một miếng gạc hoặc bàn chải mềm nhẹ nhàng rửa vết xước với xà phòng và nước. Nếu vết thương quá bẩn, hãy xả dưới vòi nước lạnh để loại bỏ cát, sạn, bụi bẩn có thể xâm nhập vào vết thương. Cố gắng lấy hết sỏi bằng góc miếng gạc hoặc vòi nước lạnh. Việc này có thể khiến chảy máu nhẹ nhưng sau đó sẽ ổn.

Lưu ý

+ Trong trường hợp không có sẵn nguồn nước sạch, bạn có thể dùng mảnh vải sạch hoặc dùng gạc để phủi cát, sạn nhìn thấy ra khỏi vết thương.

+ Không làm sạch vết cắt và xước da bằng bông hoặc bất kỳ chất liệu có lông tơ nào vì sợi tơ có thể dính vào vết thương khiến vết thương lâu lành.

- Ép gạc lên vết thương để cầm máu. 

Những vết cắt hoặc xước da nhỏ thường tự cầm máu nhưng nếu chúng không tự cầm được, bạn hãy băng ép một miếng vải nhỏ hoặc miếng gạc sạch để ngăn chảy máu. Lưu ý khi đang ép vết thương, không nên kiểm tra vết thương ít nhất trong 7-10 phút. Vì nếu nhấc quá sớm, các cục máu đông sẽ bật ra và vết thương lại chảy máu.

Sau 7-10 phút, kiểm tra thấy vết thương ngừng chảy máu, bạn dùng gạc sạch chấm nhẹ để làm khô vết thương.

- Nếu vết thương của trẻ không nằm ở những vị trí dễ bị nhiễm bẩn hoặc thường xuyên cọ xát với quần áo, bạn không cần băng nó lại. Việc này sẽ giúp vết thương được thoáng, khô và mau lành hơn.

- Nếu vết thương nằm ở những vị trí dễ bị nhiễm bẩn như bàn tay, bàn chân hoặc bị kích ứng với quần áo, dùng miếng dán y tế đủ lớn dán lên vết cắt hoặc vết xước để che kín vết thương và vùng xung quanh.

- Thay băng mỗi ngày để giữ cho vết thương sạch và khô.

- Kiểm tra lại sổ tiêm để chắc chắn trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin uốn ván mũi nhắc lại

Lưu ý:

Vết thương nếu không được xử trí và sơ cứu đúng có thể gây nhiễm trùng uốn ván. Đây là một vi khuẩn nguy hiểm có trong đất. Nếu vi khuẩn này qua vết thương vào cơ thể, chúng sẽ tiết ra các độc tố cho hệ thần kinh. Cách phòng bệnh uốn ván tốt nhất là tiêm vắc-xin. Trẻ dưới một tuổi đều được tiêm vắc-xin phòng uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước khi đi học, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại.

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sĩ?

Khi trẻ có những dấu hiệu sau, bạn hãy đưa trẻ tới bác sĩ:

- Vết thương bị nhiễm bẩn và các chất bẩn không tự trôi ra ngoài được

- Trẻ sốt hơn 38 độ C

- Vết thương tiết dịch mủ xám, đặc

- Có dị vật mắc vào vết thương và không thể tự lấy ra được

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay