Các khóa học đã đăng ký

Trẻ bị chảy máu nghiêm trọng - sơ cứu sao cho đúng? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Trẻ bị chảy máu nghiêm trọng là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu không được cầm máu sớm. Bất kể tai nạn nào gây chảy máu nặng đều khiến bạn và trẻ lo lắng, nhiều phụ huynh do lúng túng và không có kiến thức nên không biết xử lý thế nào dẫn đến nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương mất máu không kiểm soát.

1. Trẻ bị chảy máu nghiêm trọng do những nguyên nhân nào?

Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, tò mò và thích khám phá mọi thứ xung quanh do đó dễ tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn nguy hiểm cho trẻ dẫn tới chảy máu nghiêm trọng. Các vết thương chảy máu nghiêm trọng có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân như:

- Trẻ bất cẩn khi chơi đồ chơi hoặc sử dụng các vật sắc nhọn

- Trẻ bị tai nạn khi tham gia giao thông

- Trẻ bị ngã hoặc bị thương khi chơi với các bạn

2. Các thành phần và vai trò của máu

Máu gồm 2 thành phần chính là các tế bào máu và huyết tương. Trong đó:

- Các tế bào máu bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu

+ Hồng cầu: Là tế bào máu chiếm số lượng nhiều nhất trong máu, chứa các huyết sắc tố (chất làm cho máu có màu đỏ).  Vòng đời trung bình của hồng cầu là 120 ngày. Tại tủy xương, hồng cầu mới sẽ được sinh ra để thay thế và duy trì lượng hồng cầu đã mất trong cơ thể. Nhiệm vụ của hồng cầu là vận chuyển khí oxi từ phổi đến các mô và nhận lại khí cacbonic từ các mô trở về phổi để đào thải

+ Bạch cầu: Là tế bào máu có chức năng bảo vệ cơ thể thông qua việc phát hiện và tiêu diệt những nhân tố gây bệnh. Không chỉ có chủ yếu trong máu, có một lượng khá lớn các bạch cầu cư trú ở các mô của cơ thể để làm nhiệm vụ bảo vệ. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau với vòng đời trung bình từ 1 tuần đến vài tháng. Cũng giống như hồng cầu, tủy xương là nơi sinh ra các bạch cầu mới để thay thế và duy trì lượng bạch cầu đã mất của cơ thể.

+ Tiểu cầu: Là những tế bào rất nhỏ có chức năng cầm máu bằng cách tạo ra các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Vòng đời trung bình của tiểu cầu khoảng 7-10 ngày. Cũng giống như bạch cầu và hồng cầu, tủy xương là nơi sinh ra tiểu cầu.

- Huyết tương là phần dung dịch có màu vàng với thành phần chủ yếu là nước, ngoài ra còn có các thành phần khác như: đạm, đường, mỡ, vitamin, muối khoáng... có vai trò vận chuyển các nguyên liệu quan trọng của cơ thể như sắt, oxi, glucose, protein...

Máu chiếm 1/3 cơ thể con người và có vai trò vô cùng quan trọng

- Điều hòa hoạt động tuần hoàn và duy trì huyết áp

- Cung cấp oxi đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể để sản xuất năng lượng cho toàn bộ cơ thể và vận chuyển khí CO2 từ tế bào ra phổi để thải ra ngoài

- Cầm máu bằng cơ chế đông máu

- Vận chuyển các chất dinh dưỡng như axit amin, axit béo, glucose… từ những mao ruột non đến các tế bào và các tổ chức trong cơ thể; đem cặn bã của quá trình chuyển hóa đến cơ quan bài tiết

- Bảo vệ cơ thể, chống nhiễm trùng bằng cơ chế miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu

3. Hậu quả khi trẻ bị mất máu nghiêm trọng

Một người trường thành trung bình có khoảng 4,5-5,5 lít máu lưu thông bên trong cơ thể. Trẻ 5-6 tuổi đã có lượng máu tương đương của người trưởng thành. Trong khi đó, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi không có nhiều máu trong cơ thể. Một đứa trẻ chào đời với cân nặng khoảng 2,3-3,6 kg chỉ có khoảng 0,2 lít máu.

Khi trẻ bị mất một lượng máu nghiêm trọng, trẻ sẽ cảm thấy lạnh và mệt mỏi, tim đập rất nhanh, nghiêm trọng hơn trẻ có thể xuất hiện sốc, rơi vào trạng thái hôn mê, tim ngừng đập và thậm chí tử vong.

3. Các bước sơ cứu vết thương chảy máu nghiêm trọng ở trẻ

Nếu thấy trẻ có vết thương chảy máu nghiêm trọng, bạn hãy sơ cứu theo các bước sau

- Bước 1: Cởi bỏ hoặc cắt quần áo trẻ để lộ vết thương nếu cần thiết. Nếu thấy có dị vật, không lấy dị vật khỏi vết thương vì có thể làm máu chảy nhiều hơn.

Lưu ý: Nếu có thể hãy mang găng tay y tế hoặc túi nilon trong quá trình sơ cứu để hạn chế nhiễm trừng và bảo vệ bản thân.

- Bước 2: Băng ép cầm máu

+ Dùng gạc vô khuẩn hoặc gạc sạch không có sợi bông ép trực tiếp lên vết thương. Trong khi ép vết thương hãy nhờ người GỌI CỨU THƯƠNG

Lưu ý: Nếu có dị vật ở vết thương, không được ép trực tiếp lên vết thương, chỉ ấn 2 cạnh của dị vật để ngăn chảy máu.

+ Dùng băng quấn nhiều vòng đủ chặt lên miếng gạc để giữ lực ép sao cho máu ngừng chảy nhưng không được quá chặt vì có thể làm hạn chế lưu thông máu của trẻ. Kiểm tra tuần hoàn ở bàn tay hoặc bàn chân bằng cách ấn vào móng tay trẻ. Nếu móng tay không hồng trở lại ngay nghĩa là băng đang quá chặt, hãy nới lỏng băng

- Bước 3: Giúp trẻ nằm xuống đúng tư thế

Khi trẻ mất máu quá nặng, sốc có thể xuất hiện. Do đó hãy:

+ Tìm cách đặt trẻ nằm trên một tấm chiếu/chăn  mền để tránh mất nhiệt cơ thể, chống choáng sơ bộ bằng cách ủ ấm cho nạn nhân.

+ Nâng hai chân trẻ lên cao hơn tim nhằm hỗ trợ máu tiếp tục lưu thông tới các cơ quan quan trọng trong cơ thể.

+ Trấn án trẻ

+ Theo dõi nhịp thở, mạch và mức độ phản ứng trong lúc chờ cứu thương

Lưu ý

- Nếu máu thấm qua miếng gạc đầu tiên, hãy đặt miếng gạc khác lên trên và quấn lại bằng băng quấn. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, có thể bạn đã ép sai vị trí. Bỏ cả 2 miếng gạc ra và làm lại, sao cho miếng gạc băng đúng vết thương. Kiểm tra tuần hoàn thường xuyên; nới lỏng và đặt lại băng nếu cần.

- Nếu trẻ bất tỉnh, mở đường thở và kiểm tra nhịp thở. Nếu trẻ còn thở, đặt trẻ ở tư thế phục hồi; nếu trẻ không thở, tiến hành CPR ngay.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay