Các khóa học đã đăng ký

Những sai lầm cha mẹ thường gặp trong sơ cứu khi trẻ chảy máu cam | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi là hiện tượng xảy ra nhiều ở trẻ từ 2-10 tuổi. Chảy máu thường tự cầm rất nhanh nhưng có thể khiến trẻ hoảng sợ. Cha mẹ cần bình tĩnh, trấn an con và sơ cứu đúng. Tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng biết sơ cứu đúng khi trẻ chảy máu cam. Một số sai lầm mắc phải có thể khiến tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.

1. Phân loại chảy máu cam

Chảy máu cam hay chảy máu mũi thường được chia làm 2 nhóm: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Trong đó:

- Chảy máu mũi trước phổ biến hơn, xuất phát từ phía trước mũi  và chiếm khoảng 90% trường hợp. Vị trí hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hoặc có các chấn thương cục bộ như ngoáy mũi, dụi mũi… Chảy máu mũi phía trước thường chỉ chảy máu một bên, dai dẳng với khối lượng máu không nhiều và ngừng chảy máu sau khi áp dựng các biện pháp sơ cứu.

- Chảy máu mũi sau ít phổ biến hơn, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Tuy không phỏ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn, khó kiểm soát hơn và cần được chăm sóc y tế. Chảy máu mũi sau thường chảy máu ở cả 2 bên. Máu mũi chảy ra phía sau và thường đi xuống họng. Máu chảy nhiều có thể nguy kịch.

2. Chảy máu cam ở trẻ do những nguyên nhân nào?

Chảy máu cam xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ ra và chảy máu. Có nhiều nguyên nhân khiến cho mũi của trẻ bị thương và chảy máu nhưng phổ biến nhất là do những lý do sau:

- Trẻ tò mò, nghịch ngợm khi chơi  và vô tình va đạp mũi vào đâu đó gây chấn thương cho mũi của trẻ đẫn đến chảy máu cam.

- Trẻ ngoái mũi, xì mũi quá mạnh

- Trẻ nhét dị vật vào mũi như nhét đồ chơi, hạt cườm…

- Thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp hoặc khi sử dụng lò sưởi, máy điều hòa trong một thời gian dài

- Trẻ bị viêm mũi mạn tính làm các động mạch và tĩnh mạch mở rộng gây cho hệ thống mạch máu trong khoang mũi bị bất thường, dễ bị chảy máu

- Do các khối u ác tính và lành tính ở mũi

3. Những sai lầm cha mẹ thường làm khi xử trí chảy máu cam cho trẻ

Sau đây là một số sai lầm mà cha mẹ thường làm khi xử trí chảy máu cam ở trẻ:

- Ngửa đầu trẻ ra phía sau khi trẻ bị chảy máu cam

Khi trẻ bị chảy máu cam, nhiều phụ huynh thường khuyên con hãy ngửa đầu ra phía sau vì tin rằng như vậy sẽ khiến máu ngừng chảy hoặc chảy ngược lại vào trong. Tuy nhiên hành động này hoàn toàn sai lầm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Việc ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam sẽ làm cho máu chảy ngược lại cuống họng, từ đó chạy qua lỗ thông khí và có thể gây sặc máu. Tình trạng sẽ tệ hơn nếu trẻ nuốt phải phần máu cam chảy ra, vì sẽ gây triệu chứng buồn nôn, ói mửa.

- Nhét bông, gạc hoặc khăn giấy vào mũi

Khi trẻ bị chảy máu cam, nhiều phụ huynh nghĩ ngay tới việc nhét bông, gạc hoặc khăn giấy vào mũi trẻ vì nghĩ rằng làm nhưu vậy sẽ giúp trẻ cầm được máu. Tuy nhien các bác sĩ không khuyến khích hành động này. Tất cả các vật liệu thông thường đều không đảm bảo vô khuẩn, do đó nếu tiếp xúc với lớp niêm mạc mũi có thể gây nhiễm trùng.

- Dùng nước muối sinh lý quá nhiều

Nhiều phụ huynh cho rằng việc nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ giúp làm ẩm niêm mạc mũi, tránh cho mũi trẻ bị khô và ngăn được chảy máu cam. Tuy nhiên quan niệm này không đúng. Việc nhỏ nước muối sinh ly vào mũi chỉ là giải pháo tức thời làm ẩm mũi nhưng về lâu dài nó lại khiến mũi khô hơn.

4. Cách xử trí đúng khi trẻ bị chảy máu cam

Khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy bình tĩnh trấn an trẻ và xử lý theo các bước sau:

- Yêu cầu trẻ xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ những cục máu đông đã hình thành bên trong mũi. Điều này có thể khiến máu chảy nhiều hơn trong chốc lát nhưng sau đó mọi việc sẽ dần ổn (nếu trẻ quá nhỏ, hãy bỏ qua bước này).

- Cho trẻ ngồi xuống, đầu cúi về phía trước. Tư thế này sẽ giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn, tiêu chảy. Tuyệt đối không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau.

- Yêu cầu trẻ hít thở bằng miệng sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cách mũi (phần mềm của mũi) trong 10 phút sau đó thả ra. Trong lúc đó, yêu cầu trẻ hít thở bằng miệng. Đừng thả tay quá sớm để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa vì máu cần thời gian để tạo cục máu đông.

Lưu ý: Không bóp phần xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu, cũng không ấn một bên cánh mũi kể cả khi chỉ chảy máu ở một bên.

- Yêu cầu trẻ nhổ hết máu tích tụ trong miệng vì nếu nuốt máu có thể gây nôn. Nếu sau 10 phút vẫn chưa cầm được máu, tiếp tục kẹp thêm 10 phút nữa rồi thả ra.

- Sau khi cầm được máu, dùng bông tẩm nước ấm lau mặt cho trẻ. Dặn trẻ nghỉ ngơi và không không xì mũi. Nếu ngoáy hoặc xì mũi trong vài giờ tiếp theo, trẻ có thể chảy máu mũi trở lại.

5. Khi nào cần đưa trẻ bị chảy máu cam tới bệnh viện?

Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời nếu:

- Không cầm được máu sau khi đã áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút

- Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần

- Máu chảy nhanh hoặc trẻ bị mất nhiều máu

- Trẻ cảm thấy chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh

- Trẻ đang dùng thuốc chống đông máu

- Trẻ mới trải qua hóa trị liệu

- Trẻ chảy máu mũi kèm theo các vết bầm tím khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu

- Máu chảy xuống họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay