Thương tích do vật đè nén| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Thương tích do vật đè nén thường xảy ra trong các vụ tai nạn xây dựng hoặc tai nạn giao thông. Các nguyên nhân khác có thể là các vụ nổ, động đất và tai nạn tàu hỏa.
1. Thương tích do vật đè nén bao gồm những gì?
Tai nạn giao thông và tai nạn xây dựng là các nguyên nhân thường gặp nhất liên quan đến chấn thương do vật nặng đè nén. Các nguyên nhân khác có thể là các vụ nổ, động đất và tai nạn tàu hỏa.
Chấn thương do lực đè ép có thể bao gồm gãy xương, sưng nề và chảy máu trong. Lực đè ép cũng có thể làm suy giảm tuần hoàn, gây cảm giác tê bì ngay tại hoặc ở phía dưới vị trí tổn thương.
2. Thời gian ảnh hưởng như thế nào đến chấn thương do lực đè nén?
Khi nạn nhân bị vật nặng đè ép, hai biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Thứ nhất là việc đè ép trong thời gian dài có thể gây nặng nề tới mô cơ thể, đặc biệt là các tổ chức cơ. Nếu vật nặng được nâng lên ngay lập tức, sốc có thể tiến triển rất nhanh do dịch của mô thấm vào trong phần tổn thương. Nạn nhân có thể sốc vì đau đớn
Thứ hai, cũng là biến chứng nghiêm trọng hơn là các độc tố sẽ tích tụ trong mô cơ bị hủy hoại quanh vết thương. Các chất độc này sẽ tích lũy dần, làm cảm giác đau tăng lên. Nếu được giải phóng đột ngột vào hệ tuần hoàn, các độc tố này có thể gây ra tình trạng suy thận. Hiện tượng này được gọi là “hội chứng sau chấn thương đè ép”, đặc biệt nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của nạn nhân
3. Cần làm gì khi có chấn thương do lực đè ép?
3.1 Mục tiêu của bạn:
Nhanh chóng tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế về sơ cứu, cấp cứu; thực hiễn những bước xử trí trong khả năng của bạn.
3.2 Các bước xử trí:
Bước 1:
- Nếu nạn nhân bị vật nặng đè ép dưới 15 phút và bạn có thể giải cứu nạn nhân, hãy cố gắng thực hiện nhanh nhất có thể. Kiểm soát chảy máu, cố định những phần có nghi ngờ gãy xương và xử trí sốc.
- Nếu nạn nhân đã bị vật nặng đè ép lâu hơn 15 phút, hoặc bạn không thể di chuyển vật nặng, hãy giữ nguyên nạn nhân như khi mới phát hiện, trấn an và giúp nạn nhân cảm thấy yên tâm hơn.
Bước 2: Hãy nhanh gọi cấp cứu 115, thông báo chi tiết tai nạn cho tổng đài viên.
Bước 3: Theo dõi và ghi lại các dấu hiệu sinh tồn – nhịp thở, tần số mạch và ý thức của nạn nhân trong khi chờ đợi sự trợ giúp của nhân viên y tế.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây