Các khóa học đã đăng ký

Sốc phản vệ và những kiến thức bạn cần biết!| Wellbeing

BS Lưu Thị Minh Trang – Tập huấn viên Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong trong một khoảng thời gian ngắn vài giây hoặc vài phút khi tiếp xúc với các tác nhân khởi phát (gọi là dị nguyên). Có nhiều dị nguyên rất hay gặp trong đời sống, bao gồm: các loại hạt, hải sản, trứng, côn trùng và ong đốt, nhựa mủ và những thuốc nhất định. Vì vậy, có những kiến thức cơ bản để xử lý những tình huống sốc phản vệ để cứu sống nạn nhân là vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất bạn nhất định phải biết.

1. Đại cương về sốc phản vệ:
1.1. Khái niệm:

  • Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng dữ dội ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. 

  • Sốc phản vệ có thể tiến triển trong vòng vài giây hoặc vài phút khi tiếp xúc với tác nhân khởi phát (được gọi là dị nguyên) và có khả năng gây tử vong. 

  • Trong phản ứng phản vệ, các chất hóa học được giải phóng vào trong máu làm giãn các mạch máu. Điều này làm cho huyết áp tụt xuống và đường dẫn khí bị thu hẹp (co thắt), dẫn đến khó thở. 

  • Thêm vào đó, lưỡi và cổ họng có thể sưng lên, gây cản trở đường thở. Lượng oxy đến được những cơ quan sống còn có thể giảm mạnh, gây ra hiện tượng thiếu oxy.

  • Một nạn nhân bị sốc phản vệ cần xử trí cấp cứu bằng tiêm adrenaline.

1.2. Các dị nguyên có thể gây nên sốc phản vệ:

Có 3 nhóm dị nguyên chính có thể gây nên sốc phản vệ:

  • Nhóm nguyên nhân thứ nhất: là vacxin, huyết thanh và một số loại thuốc (vitamin B, Novocain, sulefamid,….)

  • Nhóm nguyên nhân thứ hai: các loại nọc côn trùng (ong mật, ong vàng, ong vò vẽ, kiến,…)

  • Nhóm nguyên nhân thứ ba: nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật (sữa, trứng, cá, tôm, dầu hướng dương, rượu,…)

  • Ngoài ra, cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốc phản vệ do yếu tố lạnh: nạn nhân dị ững với yếu tố nhiệt độ lạnh, khi tắm lâu ở sông, hồ, biển trong thời tiết lạnh, có thể xuất hiện sốc phản vệ.

2. Các biểu hiện của sốc phản vệ:

  • Biểu hiện của sốc phản vệ tương đối đa dạng. Độ nặng hay nhẹ của sốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của cơ thể, số lượng, tốc độ hấp thụ đối với các yếu tố dị nguyên.

  • Thời gian diễn biến của sốc phản vệ rất nhanh từ vài giây đến 30 phút, tốc độ của các phản ứng phản vệ càng nhanh thì tình hình càng xấu, tỷ lệ tử vong càng cao.

  • Những biểu hiện của phản ứng dị ứng có thể xuất hiện (xem thêm bài “Xử trí nạn nhân dị ứng”), các biểu hiện được chia thành ba cấp độ:

  • Mức độ nhẹ:

+ có cảm giác lo lắng, sợ hãi

+ đau đầu, chóng mặt nhẹ

+ ban đỏ, có những vùng da nổi gồ lên ( vết sẩn) kèm theo cảm giác ngứa, rát

+ mắt đỏ, ngứa, chảy nước

+ bàn tay, bàn chân và/hoặc mặt sưng lên

+ đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy

+ ho, khó thở, có tiếng thở rít

  • Mức độ trung bình:

+ khó thở, mức độ từ tức ngực đến khó thở dữ dội, khiến nạn nhân thở khò khè và thở gấp để lấy khí

+ hoảng loạn

+ bối rối và lo âu

+ da nhợt, niêm mạc tím tái, môi thâm 

+ hoặc ngược lại đỏ bừng, nóng, ngứa ran khắp người

+ có thể nhìn thấy lưỡi và cổ họng sưng lên kèm sưng húp quanh mắt

  • Mức độ nặng:

+ nạn nhân không đáp ứng, mất thông khí, mất mạch

+ da tím tái

+ có thể có co giật

3. Các bước xử trí nạn nhân sốc phản vệ:

3.1. Mục tiêu của bạn:

  • Làm dễ thở

  • Xử trí sốc 

  • Thu xếp vận chuyển đến bệnh viện khẩn cấp

3.2. Các bước xử trí:

  • Bước 1:

+ Gọi 115 để được trợ giúp cấp cứu. 

+ Báo với đội điều hành xe cấp cứu rằng bạn nghi ngờ tình trạng phản vệ.

  • Bước 2:

+ Nhiều trường hợp, nạn nhân biết có cơ địa dị ứng sẽ có sẵn andrenalin trong người. Nếu nạn nhân có bơm tiêm tự động adrenalin, giúp họ dùng nó. 

+ Nếu họ không thể tự tiêm, và bạn đã được đào tạo, hãy tiêm cho họ. Kéo chốt an toàn và cầm bơm tiêm trong nắm tay bạn, đẩy đầu bơm dứt khoát vào đùi nạn nhân cho tới khi nó kêu “tách”, bơm thuốc (có thể tiêm qua quần áo). Giữ trong mười giây, tháo bơm tiêm ra, rồi xoa bóp vùng tiêm trong mười giây.

  • Bước 3:

Giúp nạn nhân ngồi dậy trong tư thế tốt nhất làm giảm khó thở. Nếu họ trở nên nhợt kèm mạch yếu, giúp họ nằm xuống với chân nâng lên và xử trí sốc (khẩn trương như cấp cứu ngừng tuần hoàn, đảm bảo đường thở, tuần hoàn,…rồi mới chuyển đi nơi khác)

  • Bước 4: 

+ Theo dõi và ghi lại các dấu hiệu sinh tồn – nhịp thở, mạch, mức độ đáp ứng – trong khi chờ trợ giúp. 

+ Có thể nhắc lại liều adrenalin trong khoảng thời gian năm phút nếu không có sự cải thiện hoặc các triệu chứng xuất hiện trở lại.

Cảnh báo:

  • Nếu nạn nhân mang thai cần nằm xuống, nghiêng cô ấy về phía bên trái để tránh làm tử cung chứa thai ngăn cản dòng máu trở về tim.

  • Nếu nạn nhân trở nên bất tỉnh, mở đường thở và kiểm tra hô hấp.

4. Dự phòng sốc phản vệ:

Tương tự như nguyên tắc dự phòng dị ứng:

  • Nắm rõ các loại tác nhân khởi phát dị ứng bản thân đã từng gặp: loại thuốc nào, loại thức ăn nào, mùi hương, phấn hoa,.....

  • Tránh tối đa các tiếp xúc với các tác nhân khởi phát dị ứng đã biết

  • Sử dụng các thuốc dự phòng dị ứng thường xuyên theo phác đồ của bác sĩ, đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân hen phế quản

  • Luôn có sẵn các thuốc cắt cơn dị ứng trong người, ví dụ thuốc cắt cơn hen (salbutamol), thuốc cắt các dị ứng thông thường (kháng histamine),……

  • Nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến cơn dị ứng.

  • Khi tới khám hoặc điều trị tại các cơ sở y tế phải thông báo tới bác sĩ điều trị tiền sử dị ứng với các loại thuốc hoặc thức ăn.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay