Các khóa học đã đăng ký

SƠ CẤP CỨU - NHỮNG HÀNH ĐỘNG ƯU TIÊN | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cấp nhanh - Giành sự sống. 

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Sơ cấp cứu là những hành động phản ứng tức thì với tình huống có người bị thương hoặc bị bệnh cấp tính. Với mỗi tình huống khẩn cấp về sức khoẻ khác nhau sẽ có các bước xử lý phù hợp. Tuy nhiên, việc sơ cấp cứu cần tuân thủ theo một số những hành động ưu tiên cần làm trước. Ghi nhớ những điều này, bạn sẽ thực hiện được các hành động có lợi nhất cho nạn nhân.

Nhung-hanh-dong-uu-tien-Wellbeing

1. Sơ cấp cứu cần khẩn cấp nhưng phải bình tĩnh và an toàn

Sơ cấp cứu là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn (bệnh nhân) ngay tại hiện trường, nơi xảy ra sự cố bằng phương tiện, dụng cụ có sẵn ngay tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, chúng thường không có tâm lý bình tĩnh khi đối diện với những tình huống khẩn cấp về sức khoẻ. Hoảng loạn, lo sợ là tâm lý chung của chúng ta khi gặp những tình huống khẩn cấp về sức khoẻ.

Khi đi phát hiện một tai nạn, hãy bình tĩnh và giúp đỡ nạn nhân. Hãy hỏi xem chuyện gì đã xảy ra, cố gắng không di chuyển nận nhân; nếu có thể, hãy để nạn nhân ở đúng tư thế khi bạn tìm thấy họ. Phản ứng bình tĩnh và có cân nhắc để tạo sự tin tưởng, tôn trọng của những người xung quanh là yếu tố then chốt giúp bạn đưa ra hoặc nhận về những thông tin từ nạn nhân hoặc nhân chứng thật hiệu quả. Việc trò chuyện nhẹ nhàng, chu đáo nhưng kiên định, bạn sẽ tin tưởng vào hành động của chính mình, từ đó tạo dựng lòng tin với nạn nhân. Thiếu sự tin tưởng này, có thể nạn nhân sẽ không nói với bạn về một tình tiết, một vết thương hoặc một triệu chứng quan trọng và có thể đây là một chi tiết ảnh hưởng rất nhiều đến tính mạng của họ.

2. Bảo vệ bản thân bạn và nạn nhân khỏi những nguy hiểm khác.

Khi thực hiện hành động sơ cấp cứu, điều quan trọng là tự bảo vệ bản thân (và nạn nhân) tránh nhiễm khuẩn cũng như chấn thương.

Hãy thực hiện các bước để tránh lây nhiễm chéo (lây nhiễm mầm bệnh hoặc nhiễm khuẩn sang nạn nhân; hoặc bị nhiễm khuẩn từ nạn nhân). Việc  nhiễm khuẩn là một yếu tố có nguy cơ với cả những vết thương khá nhỏ. Nhiễm khuẩn càng nghiêm trọng hơn nếu bạn đang có một vết thương, bởi những virus lây truyền qua đường máu như: Viêm gan B, viêm gan C hoặc HIV... Trong thực tế, nguy cơ này thường thấp và không cản trở chúng ta thực hiện sơ cứu những điều đó sẽ tăng lên nếu máu của một người bị nhiễm bệnh tiếp xúc với máu bạn thông qua một vết cắt hoặc vết xước.

Thông thường, các biện pháp như rửa tay, đeo găng tay dùng một lần là đủ để bảo vệ bạn và nạn nhân. Nếu có sẵn mặt nạ bảo hộ hoặc khẩu trang bỏ túi, bạn nên sử dụng chúng mỗi khi thực hiện hô hấp nhân tạo.

3. Gọi hỗ trợ và đưa ra hành động hợp lý

Việc thực hiện những kỹ năng Sơ cấp cứu thường khẩn cấp, nhanh và nhiều động tác cần sức lực. Chính vì thế việc cần có sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh hiện trường hoặc từ những đơn vị chức năng là rất cần thiết.

Trong những tình huống sơ cấp cứu, chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ cùng một lúc: Duy trì tình trạng an toàn, gọi điện để được giúp đỡ và bắt đầu sơ cứu. Chính vì thế những người có mặt tại hiện trường cần giúp đỡ nhau cùng thực hiện những việc sau:

  • Làm cho khu vực hiện trường an toàn, ví dụ: kiểm soát giao thông và giữ những người xem tránh xa.

  • Gọi 115 để được trợ giúp khẩn cấp (Có thể gọi điện cho các đầu số khác như 113 – Số cảnh sát, 114 – Số cứu hoả để nhận được sự trợ giúp)

  • Lấy thiết bị sơ cứu, ví dụ máy khử rung bên ngoài tự động AED (nếu có)

  • Kiểm soát việc chảy máu.

  • Giúp duy trì sự riêng tư của nạn nhân bằng cách giữ một tấm chăn xung quanh hiện trường và khuyến khích người xem tản ra nơi khác.

  • Đưa nạn nhân đến nơi an toàn: Khi nạn nhân đang ở trong tình trạng nguy hiểm, hãy chuyển nạn nhân đến nơi an toàn nếu làm như vậy an toàn hơn so với việc để nạn nhân ở lại hiện trường.

 

Sơ cấp cứu là hành động thực sự cần thiết để giảm thiểu tối đa cho người gặp nạn. Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc nêu trên để hành động Sơ cấp cứu sẽ hiệu quả nhất: Cho nạn nhân và cho bản thân bạn.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay