Các khóa học đã đăng ký

SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU: CÁC BƯỚC TIẾP CẬN MỘT NẠN NHÂN | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cấp cứu.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing.

Sơ cấp cứu là những hành động giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế các tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Tuy nhiên, với mỗi tình huống khẩn cấp về sức khoẻ khác nhau thì sẽ có cách xử lý khác nhau. Dưới đây là các bước mà người thực hiện cần ghi nhớ để những hành động sơ cấp cứu có hiệu quả tốt nhất.

So-cap-cuu-ban-dau-wellbeing

1.Điều quan trọng nhất khi Sơ cấp cứu là trấn an người gặp nạn.

Sơ cấp cứu là hành động được thực hiện ngay tại hiện trường xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, các nạn nhân thường sợ hãi vì điều đang xảy ra với họ và những gì có thể xảy ra tiếp đó. Vai trò của bạn là giữ bình tĩnh và kiểm soát tình hình – sẵn sàng nhường vị trí cho người có trình độ sơ cứu tốt hơn.

Hãy xây dựng sự tin tưởng ở nạn nhân bằng cách giới thiệu bản thân bạn. Tìm hiểu xem nạn nhân tên là gì và sử dụng tên của họ khi bạn nói chuyện với họ. Cúi người hoặc quỳ xuống để người bạn ở ngang tầm với nạn nhân. Giải thích sự việc đang xảy ra và nguyên nhân. Lúc đó, bạn sẽ tạo được sự tin tưởng nếu bạn nói trước với họ rằng bạn sắp làm gì. Luôn đối xử với nạn nhân với thái độ điềm tĩnh và tôn trọng. Nếu có thể, hãy cho nạn nhân những lựa chọn, ví dụ: hỏi họ thích ngồi hay nằm xuống và/hoặc người mà họ muốn ở bên. Ngoài ra, nếu có thể, trước khi tiến hành điều trị hãy hỏi liệu họ có đồng ý với bất cứ điều gì bạn định làm hay không.

So-cap-cuu-ban-dau-wellbeing

2. Giao tiếp với nạn nhân

Giao tiếp có thể khó khăn nếu một người nói một ngôn ngữ khác hoặc không thể nghe bạn nói. Sử dụng ngôn ngữ và ký hiệu đơn giản hoặc viết câu hỏi ra. Hỏi xem liệu có ai ở gần đó nói cùng ngôn ngữ với nạn nhân, biết nạn nhân và/hoặc nhìn thấy vụ tai nạn và có thể mô tả những gì đã xảy ra.

Khi nạn nhân là trẻ em, bạn cần sử dụng các từ đơn giản hơn và ngắn gọn hơn khi nói chuyện. Nếu có thể, hãy đảm bảo cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ ở đó cùng trẻ và giữ họ cùng tham gia vào các hành động Sơ cấp cứu. Điều quan trọng là phải thiết lập niềm tin ở trẻ cũng như người chăm sóc trẻ.

Đặc biệt đối với những nạn nhân không thể nói chuyện hoặc bất tỉnh, bạn cần thực hiện giao tiếp bằng các cách sau:

  • Dùng mắt và tai để nhận biết nạn nhân phản ứng như thế nào. Hãy lắng nghe thông qua kỹ năng giao tiếp không lời.

  • Giao tiếp bằng mắt, nhưng đôi lúc vẫn nhìn đi chỗ khác để tránh nhìn chăm chăm vào nạn nhân.

  • Gật đầu và nói “ừm/vâng” để nạn nhân thấy bạn đang lắng nghe họ nói.

  • Sử dụng những cử chỉ, động tác tay đơn giản.

  • Dùng giọng nói bình tĩnh, tự tin và đủ to để nghe được, nhưng không hét lên. Đừng nói quá nhanh.

  • Đưa ra những hướng dẫn đơn giản: dùng các câu ngắn và từ ngữ đơn giản.

3. Khi nạn nhân từ chối sự giúp đỡ.

Nếu một ai đó bị bệnh hoặc bị thương, họ có thể lo lắng, bối rối, khóc, tức giận và/hoặc muốn trốn tránh. Hãy cảm thông với cảm xúc của nạn nhân; cho họ biết rằng phản ứng như vậy là dễ hiểu. Chấp nhận khả năng bạn không giúp gì được, thậm chí có thể bị xem là mối đe dọa. Hãy duy trì khoảng cách an toàn cho đến khi nạn nhân cho phép bạn tiến lại gần họ hơn, để họ không cảm thấy ngột ngạt. Đừng tranh cãi hoặc phản đối họ. Nạn nhân có thể từ chối được giúp đỡ do họ đang bị thươn.

Nếu bạn nghĩ nạn nhân cần thứ gì khác với điều anh ta yêu cầu, hãy giải thích lý do. Ví dụ, bạn có thể  nói: “Tôi nghĩ ta nên xem xét vết thương của anh trước khi di chuyển, đề phòng trường hợp di chuyển làm vết thương tệ hơn”. Nếu nạn nhân vẫn từ chối sự giúp đỡ của bạn và bạn nghĩ họ cần chăm sóc ý tế khẩn cấp, hãy gọi 114/115 để được trợ giúp khẩn cấp. Nạn nhân có quyền từ chối được giúp đỡ, ngay cả khi điều này gây hại thêm cho họ. Hãy nói với dịch vụ trợ giúp khẩn cấp rằng bạn đã đề nghị sơ cứu nhưng bị từ chối. Nếu bạn lo lắng tình hình nạn nhân đang xấu đi, hãy quan sát nạn nhân từ phía xa cho đến khi trợ giúp đến.

Việc tiếp cận một nạn nhân khi xảy ra các tình huống khẩn cấp là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho nạn nhân hợp tác với bạn nhiều hơn trong các hành động tiếp theo, giúp cho việc sơ cấp cứu diễn ra hiệu quả hơn.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay