Sơ cấp cứu nạn nhân nôn làm như thế nào?| Wellbeing
BS Lưu Thị Minh Trang – Tập huấn viên Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing
Nôn là biểu hiện rất thường gặp trong đời sống hằng ngày, gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Sơ cấp cứu nạn nhân nôn, đặc biệt là nôn với lượng lớn thức ăn, liên tục hoặc nôn ra máu là vô cùng quan trọng vì đây đều là những trường hợp nặng cần xử trí đúng trước khi đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Hãy tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về nôn cùng những biện pháp sơ cấp cứu được đề cập đến ở bài viết dưới đây.
1. Nôn và những kiến thức cơ bản nhất:
Trước khi biết cách sơ cứu nạn nhân nôn sao cho đúng, bạn cần nắm được sơ lược về định nghĩa nôn nhằm phân biệt với các biểu hiện khác, biết các nguyên nhân gây nôn nhằm cách li nạn nhân với tác nhân càng sớm càng tốt trước khi có các can thiệp y tế chuyên sâu.
1.1. Định nghĩa:
Nôn là động tác đẩy một cách mạnh mẽ các chất chứa trong dạ dày ra ngoài qua miệng, gây ra bởi sự phối hợp co bóp của dạ dày, bụng và lồng ngực.
Phân biệt nôn với ợ thức ăn, đó là dòng trào ngược không gắng sức của dịch lỏng, hơi hoặc thức ăn từ dạ dày
1.2. Các nguyên nhân gây nôn:
Tắc cơ học dạ dày hoặc ruột: loét dạ dày, dính ruột, xoắn ruột,…
Rối loạn vận động dạ dày hoặc ruột: liệt, thoái hóa do dùng thuốc, sau mổ vùng bụng
Các nhiễm khuẩn:
+ Viêm dạ dày- ruột do tác nhân virus
+ Ngộ độc thực phẩm
+ Viêm gan A hoặc B
+ Viêm tụy cấp
+ Viêm túi mật hoặc sỏi ống mật
Các chất gây kích thích tại chỗ: rượu, các thuốc chống viêm không steroid (thường gặp là các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol,…), các loại kháng sinh đường uống
Các rối loạn thần kinh trung ương: rối loạn tiền đình (có triệu chứng buồn nôn và nôn), tăng áp lực nội sọ, viêm màng não, viêm não,…
Một số rối loạn tâm thần
Do thuốc, chiếu xạ
Các rối loạn toàn thân: nhiễm ceton ở bệnh nhân đái tháo đường có đường huyết quá cao, cường giáp,…
2. Sơ cấp cứu nạn nhân nôn:
Các bước thực hiện vô cùng đơn giản và dễ thực hiện
2.1. Mục tiêu xử trí:
Trấn an nạn nhân
Bù đủ lượng dịch và muối đã mất
2.2. Các bước sơ cấp cứu nạn nhân nôn:
Bước 1: Trấn an nạn nhân và đưa họ một chiếc khăn ẩm ấm để lau mặt
Bước 2:
+ Cho họ uống nước hoặc nước trái cây không pha thêm đường từng ngụm chậm rãi và thường xuyên.
+ Pha oresol theo đúng tỷ lệ nước khuyên dùng trên vỏ (nước đun sôi để nguội), chia nhỏ uống từng đợt đến hết. Chú ý: oresol đã pha chỉ được dùng trong vòng 24h.
Bước 3: Khi nạn nhân đói trở lại, khuyên họ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, các chất lỏng loãng trong 24 giờ đầu tiên.
Bước 4: Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào: nôn tăng số lượng,số lần, nôn ra máu, nạn nhân li bì, sốt cao,… cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được điều trị chăm sóc và điều trị chuyên sâu.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây