Hãy cẩn trọng với những vết dằm đâm của trẻ | Wellbeing
BS Lưu Thị Minh Trang – Chuyên viên tập huấn Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing
Dằm (mảnh vụn gỗ, thủy tinh,…) găm trong da có thể gây nhiễm trùng cho trẻ. Chúng thường bẩn và đem theo rất nhiều vi khuẩn có hại xâm nhập vào sâu trong da. Những vết dằm đâm này nếu không được xử trí đúng cách có thể là nguyên nhân gây những nhiễm trùng nguy hiểm hơn cho trẻ, hay chỉ đơn giản là gây đau và khó chịu. Vậy nên bố mẹ hãy nắm vững những bước sơ cấp cứu sau cùng chuyên viên Wellbeing để xử trí đúng cho trẻ trong trường hợp này.
1. Những gì có thể xảy đến với trẻ nếu bị dằm đâm vào tay?
Những hoạt động ngoài trời thường gây ra tai nạn này cho trẻ hay cũng có thể gặp ở bàn tay và đầu gối nếu trẻ bò trên sàn nhà gỗ. Vết thương do dằm đâm này có thể không gây cảm giác gì nếu chỉ nằm ngay nông ở da, tuy nhiên thường thì sẽ gây buốt, đau nhói, nhức nhiều lan tỏa tại vị trí tổn thương khiến trẻ vô cùng khó chịu.
Nếu không nhanh chóng lấy được mảnh dằm ra khỏi da có thể gây nên cho trẻ một số nguy cơ sau cho trẻ:
Tại vị trí tổn thương hệ miễn dịch của cơ thể sẽ đáp ứng với tác nhân xâm nhập này bằng cách huy động các tế bào miễn dịch (chủ yếu là bạch cầu) tới để tạo một hàng rào chắn bảo vệ, khiến vùng này sẽ đỏ, sưng lên kèm cả cảm giác đau.
Các mảnh dằm chứa nhiều loại vị khuẩn, nấm gây bệnh, thế nên khi vào cơ thể thường sẽ gây các nhiễm trùng tại chỗ, xuất hiện các vết phồng rộp, mụn mủ trên da, thậm chí có thể gây nhiễm trùng toàn thân và biểu hiện bằng hiện tượng sốt.
Trường hợp không may mắn nhất, em bé nhà bạn có thể nhiễm trực khuẩn uốn ván clostridium tetani. Nếu chưa được tiềm phòng vắc xin, bệnh cảnh của uốn ván sẽ tương đối nặng nề: lúc đầu là cơ nhai gây nuốt khó, nói khó, sau đó các cơ thân mình co cứng tạo ra tư thế ưỡn lưng, cuối cùng nặng nhất là co cứng các cơ hô hấp làm bệnh nhân xanh tím, đe dọa đến tính mạng.
Vì thế dù nhỏ, bố mẹ cũng cần loại bỏ dằm ra khỏi cơ thể trẻ càng nhanh càng tốt bằng một cách an toàn.
2. Ba bước sơ cấp cứu dằm đâm bố mẹ cần biết:
Một số lưu ý khi thực hiện sơ cấp cứu dằm đâm:
Nếu trẻ chưa được tiêm phòng uốn ván, hãy tìm kiếm tư vấn y tế kể cả ngay khi bố mẹ lấy được dằm ra khỏi cơ thể trẻ
Tuyệt đối, không dùng kim để gảy, chọc lấy dằm ra
Nếu không lấy được dằm ra hoặc dằm bị gãy trong quá trình sơ cấp cứu, hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được xử trí chuyên sâu
Bố mẹ hãy thực hiện ba bước sơ cấp cứu sau cho trẻ theo đúng hướng dẫn của chuyên viên Wellbeing:
Bước 1: Rửa sạch vùng bị dằm đâm bằng xà phòng và nước ấm. Việc này phần nào giúp loại bỏ các vi khuẩn tại vị trí tổn thương
Bước 2: Một tay đỡ tay trẻ, một tay dùng nhíp kẹp vào đầu dằm ở vị trí nó còn hở ra ngoài, sao cho sát da nhất. Sau đó cẩn thận, khéo léo kéo ra lựa theo đúng góc nó đi vào.
Bước 3: Nhẹ nhàng nặn vết thương cho ra một ít máu để loại bỏ bụi bẩn. Rửa lại vùng bị thương, thấm khô hoàn toàn và băng lại.