Các khóa học đã đăng ký

Sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cẳng chân - Những nguyên tắc sơ cứu bạn cần phải nhớ| Wellbeing

Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

https://file.hstatic.net/1000274803/file/a87219b54ac8b296ebd9_4fef17497d0849658ad6851bc37c7354_grande.jpg

Chấn thương cẳng chân gồm gãy xương chày và xương mác, tổn thương mô mềm (cơ, dây chằng và gân).Gãy xương chày thường do một cú đập mạnh (ví dụ tấm chắn của xe đang chạy). Vì có rất ít thịt nằm trên nên gãy xương chày nhiều khả năng sẽ tạo vết thương hở. Xương mác cũng có thể gãy do lực xoắn làm bong gân mắt cá chân.

1.Giải phẫu xương cẳng chân

chan-thuong-cang-chan

  • Vùng cẳng chân có hai xương: xương chầy to, xương mác nhỏ. Gãy cẳng chân thường gãy cả hai xương, cũng có thể chỉ gãy một xương.

  • Xương chầy là hình lăng trụ tam giác với mào chày ở phía trước nằm sát da, khi xuống 1/3 dưới là hình trụ tròn nên đây là điểm yếu rất dễ bị gãy.

  • Mạch nuôi xương càng xuống thấp càng nghèo nàn ( 1/3 dưới), khi gãy vùng này xương khó liền.

  • Các khối cơ bố trí quanh xương không đồng đều, phía sau có khối cơ chắc khoẻ, phía trước không có cơ mà ngay dưới da là xương vì vậy khi gãy rất dễ bị lộ xương.

  • Cẳng chân có bốn khoang. Cấu tạo các khoang hẹp, thành khoang chắc vì vậy khi có phù nề, chảy máu trong khoang dễ gây hội chứng chèn ép khoang-một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cụt chân cao.

  • Gãy cao dễ gây chèn ép khoang, gãy thấp dễ dẫn đến gãy hở.

2.Dấu hiệu nhận biết nạn nhân chấn thương xương cẳng chân 

Nạn nhân chấn thương xương cẳng chân tùy vào thời gian phát hiện sớm hay muộn mà có những triệu chứng khác nhau:

Đối với nạn nhân phát hiện sớm:

  • Đau chói  tại vùng gãy, bệnh nhân không đứng dậy được.

  • Nhìn thấy rõ sự di lệch với ngắn chi, bàn chân xoay ngoài, gập góc mở ra sau.

  • Sờ thấy đầu xương gãy gồ dưới da ở mặt trong cẳng chân. Sờ còn phát hiện dấu đau chói và tiếng lạo xạo của xương gãy.

Đối với nạn nhân phát hiện muộn:

  • Thường cẳng chân bị sưng nề nhiều, khó phát hiện các triệu chứng như đau  chói và thấy đầu xương gãy.

  • Có thể xuất hiện các nốt phổng nước, biểu hiện sự trầm trọng của biến chứng chèn ép khoang. Thăm khám cần xác định các thương tổn cổ chân, gãy cổ xương mác, tổn thương các dây chằng khớp gối.

3.Các bước sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương xương cẳng chân 

Bước 1: Giúp nạn nhân nằm xuống và đặt anh ta ở vị trí thoải mái. Hỗ trợ chân bị thương bằng cách đặt tay bạn ở đầu gối và mắt cá chân không cho cử động. Nếu có vết thương, hãy cẩn thận bộc lộ và xử trí chảy máu. Đặt gạc lên để bảo vệ vết thương.

Bước 2: Gọi 115 để được trợ giúp khẩn cấp. Duy trì hỗ trợ cho tới khi xe cứu thương đến. Xử trí sốc nếu cần Đừng nâng cao chân bị thương; hãy nâng chân lành nếu nạn nhân sốc.

Bước 3: Nếu xe cứu thương không đến ngay được, hỗ trợ chân bị thương bằng cách nẹp nó vào chân còn lại. Đặt chân lành dọc theo chân bị thương và đặt băng xuống dưới cả hai chân. Đặt một băng tam giác gấp hẹp  ở bàn chân và mắt cá chân (1), sau đó đặt băng tam giác gấp rộng ở đầu gối (2) và trên và dưới vị trí gãy xương (3 và 4). Chèn miếng đệm vào giữa hai cẳng chân. Băng số tám quanh bàn chân và mắt cá chân, sau đó cố định các cuộn băng khác; nút buộc nằm ở phía chân lành.

Bước 4: Nếu đường tới bệnh viện dài và khó đi, hãy đặt thêm đệm mềm ở bên ngoài chân bị thương từ đầu gối đến bàn chân. Cố định chân bằng băng tam giác gấp rộng như trên. Xử trí sốc nếu cần, nhưng không nâng cao chân.

4.Sơ cấp cứu trường hợp đặc biệt - vết gãy gần mắt cá chân

Bước 1: Hỗ trợ chân bị thương chắc chắn bằng cách đặt tay bạn ở đầu gối và bàn chân (không phải trên vị trí gãy xương) để chân không cử động được. Nếu có vết thương, hãy xử trí chảy máu và đặt gạc lên để bảo vệ. Gọi 115 để được trợ giúp khẩn cấp. Tiếp tục hỗ trợ cho tới khi xe cứu thương đến. Xử trí sốc nếu cần thiết Đừng nâng cao chân bị thương; nâng cao chân lành nếu nạn nhân sốc.

Bước 2: Nếu xe cứu thương không đến sớm được, hãy nẹp chân bị thương với chân còn lại – yêu cầu người trợ giúp tiếp tục hỗ trợ khi bạn đang cố định băng.

 Trên đây là những kiến thức về sơ cấp cứu đối với nạn nhân bị chấn thương xương cẳng chân. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức thật sự bổ ích.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Xem thêm:

Sốc phản vệ và những kiến thức bạn cần biết (phần 1)

Bạn đã từng bị sốc chưa (phần 1)

Sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống – Hãy nhớ các nguyên tắc sau đây! ( Phần 1) 

Sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống – Hãy nhớ các nguyên tắc sau đây! ( Phần 2) 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay