SƠ CẤP CỨU – CÁC THAO TÁC KHÔNG THỂ BỎ QUA | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.
Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing
Trong bất kỳ tình huống sơ cấp cứu nào, điều quan trọng là phải tuân theo một kế hoạch rõ ràng. Điều này giúp người sơ cứu sắp xếp những nhu cầu của bản thân theo các thứ tự ưu tiên, cũng như đưa ra quyết định đâu là phản ứng tốt nhất.
Các bước chính trong việc thực hiện sơ cấp cứu bao gồm: Đánh giá tình huống, tạo vùng an toàn (nếu có thể) và tiến hành sơ cứu. Đánh giá sơ bộ để xác định những nạn nhân bị thương nặng nhất và ưu tiên điều trị cho họ.
1. Đánh giá tình huống.
Đánh giá chính xác về hiện trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát tai nạn. Bạn phải giữ bình tĩnh. Khẳng định với những người xung quanh rằng bạn đã được đào tạo kỹ năng sơ cứu và nếu không có mặt nhân viên y tế nào, hãy bình tĩnh chịu trách nhiệm xử lý tình huống.
Hãy xác định mọi nguy cơ đe dọa sự an toàn và đánh giá các nguồn lực sẵn có của bạn. Một số những nguy hiểm chính mà bạn có thể phải đối mặt, như hỏa hoạn, nhưng cũng cần lưu ý tới các chướng ngại vật, vật sắc nhọn, sự cố tràn hóa chất và các vật cứng như gạch đá rơi từ trên cao xuống.
Tất cả các tai nạn nên được kiểm soát theo cách thức tương tự nhau. Hãy cân nhắc các yếu tố sau:
An toàn: Có thể có các mối nguy hiểm nào khác không? Các mối nguy hiểm ở đó là gì và chúng còn tồn tại không? Bạn có đang dùng các thiết bị bảo hộ không? Hiện trường có đủ an toàn để bạn tiếp cận không?
Hiện trường: Các yếu tố liên quan đến tai nạn đó là gì? Các cơ chế chấn thương là gì? Có bao nhiêu nạn nhân ở đó? Các tổn thương có thể gặp là gì?
Tình huống: Chuyện gì đã xảy ra? Có bao nhiều người liên quan và độ tuổi của họ là bao nhiêu? Có trẻ em và người già trong đó không?
2. Thiết lập vùng an toàn.
Hoàn cảnh gây tai nạn có thể vẫn đang ẩn chứa nguy hiểm và cần được loại trừ nếu có thể. Đôi khi chỉ một hành động đơn giản, như tắt máy xe ô tô để giảm nguy cơ cháy, cũng là đủ. Phương án cuối cùng là đưa nạn nhân tới nơi an toàn. Trường hợp này thường cần sự trợ giúp của chuyên gia và các thiết bị.
Khi tiếp cận nạn nhân, bạn cần đảm bảo bản thân mình được bảo vệ an toàn: mặc quần áo dễ phát hiện (như quần áo phát quang), găng tay và mũ bảo hiểm nếu có. Nhớ rằng nạn nhân đối diện với nguy cơ chấn thương từ các mối nguy hiểm giống như bạn phải đối mặt. Nếu việc di chuyển khỏi hiện trường bị trì hoãn, hãy cố gắng bảo vệ nạn nhân khỏi tác động của bất kỳ nguy hiểm nào khác mà không gây hại cho bản thân.
Nếu bạn không thiết lập được vùng an toàn, hãy gọi 115 để được trợ giúp khẩn cấp. Đứng lùi ra khỏi tai nạn cho đến khi đội ngũ cứu hộ đảm bảo hiện trường được an toàn.
3. Đưa ra trợ giúp khẩn cấp.
Khi vùng an toàn đã được thiết lập, hãy đánh giá bao đầu nạn nhân để nhanh chóng tiến hành đánh giá tổng quan về nạn nhân và đưa ra những ưu tiên điều trị. Nếu có nhiều hơn một nạn nhân, hãy bắt đầu với những người đang bị nguy hiểm tính mạng trước. Nếu có thể, hãy xử lý cho nạn nhân ở tư thế ban đầu khi bạn tìm thấy họ; chỉ di chuyển nạn nhân khi họ đang nằm trong vùng gây nguy hiểm tức thì hoặc điều đó là cần thiết để bạn có thể dễ dàng thực hiện các thao tác sơ cấp cứu.
Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác nếu có thể. Yêu cầu người xung quanh gọi cấp cứu. Họ cũng có thể giúp nạn nhân bảo vệ sự riêng tư, đặt biển cảnh báo trong trường hợp tai nạn giao thông hoặc đi tìm các dụng cụ cần thiết trong khi bạn tiến hành sơ cứu.
Cuối cùng, bạn cần báo cáo lại toàn bộ những hành động, sự việc đã diễn ra với nhân viên y tế khi họ tiếp cận nạn nhân. Toàn bộ những dữ kiện này sẽ rất hữu ích cho việc tiếp nhận và điều trị cho nạn nhân sau này. Bạn là người sơ cấp cứu nên bạn có thể được yêu cầu hỗ trợ tiếp cùng với các nhân viên y tế, ví dụ vận chuyển nạn nhân bằng các thiết bị chuyên dụng. Khi đó, cần luôn tuân thủ sự chỉ dẫn của đội ngũ nhân viên y tế.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm: